Lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2014.
Thời gian tổ chức lễ hội : Từ 13 đến 17 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đêm ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào thời khắc giữa đêm dân làng tổ chức dâng hương tại đền làm lễ tế trình.
Nghi thức và các trò thi trong lễ hội đền Trần gồm có :
- Lễ rước nước.
- Lệ thi cỗ cá
- Tục thi vật cầu
- Tục thi đấu gậy
- Tục thi thả diều
- Tục thi chọi gà
* Lễ rước nước :
Sáng ngày 14 tháng giêng làng tổ chức lễ rước nước. Mỗi giáp tham dự lễ rước đều phải chuẩn bị hai chiếc kiệu là Kiệu bát cống và kiệu bành. Đi đầu đoàn rước là kiệu Bát cống trên đặt lô nhang và bài vị của các vua Trần. Loại kiệu này do 08 nam thanh niên khỏe mạnh chưa có gia đình khiêng. Đi sau kiệu Bát Cống là kiệu Bành do 4 thanh nữ khỏe mạnh, nết na chưa có gia đình khiêng, trên mỗi kiệu bành có 1 chum nhỏ, miệng chum thắt sợi dây lụa màu đỏ. Đoàn rước nước được trống dong cờ mở đưa đường; khởi kiệu từ đền Trần, đi qua cầu Bến qua Đền Bà (nơi thờ Huyền Trân công chúa) đi đến chùa Hội Đồng, sau đó vòng kiệu ra đê. Tại bờ đê hàng chục chiếc thuyền chờ sẵn, đoàn rước đến bến sông, đặt kiệu trên bờ, các cụ già cao tuổi (có phẩm hạnh, uy tín được dân làng bình chọn) khiêng các chum nhỏ lên thuyền chèo ra giữa sông Hồng (ngã ba Tuần Vường) thì dừng lại thả một vòng tròn dây chuối kết bện xuống sông rồi dùng gáo múc nước sông trong vòng tròn đó đổ vào chum, sau đó chuyền tay nhau đưa chum nước lên bờ, đặt vào trong hậu bành, dùng dây đỏ cột chặt rồi khiêng kiệu, rước nước về đền để tế lễ. (Sau khi tế lễ nước được cho các giáp mang về chia cho các gia đình trong thôn để lấy phúc).
Đoàn Tế ở Tam Đường có 30 người, khi tế lễ có 17 người tham dự. Chủ tế mặc quần tế màu trắng, áo tế màu đỏ, thêu rồng, đầu đội mũ tế màu đỏ. Bên cạnh chủ tế có hai bồi tế mặc quần màu trắng, áo màu xanh, thêu chữ thọ, trước ngực có bối tử. Trong hai bồi tế có một người là thông xướng, một người là họa xướng, người thông xướng hô, người họa xướng ngân sao cho ngân nga trầm bổng.
Những người tham gia đoàn tế xếp thành hai hàng cứ theo lời chủ tế và bồi tế mà hành lễ như Kiểm soát lễ vật, hiến hương, chúc tửu, kính chương hiến lễ… Khi chủ tế hô “quỵ” phải quỳ, hô “giai quỵ” phải quỳ lễ, hô “phủ phục” phải phủ phục để lạy, hô “Bình thân phục vị” phải lùi về chiếu dưới. Cứ như thế người hô, người hành, nghiêm trang thực hiện nghi thức kính lễ các vua Trần.
* Lệ thi cỗ cá
Sử chép tổ tiên nhà Trần làm nghề đánh cá trên sông. Dân nhớ ơn nhà Trần, đến hội lại cùng nhau làm cỗ cá để dâng cúng các vua, hoàng hậu và tôn thất nhà Trần. Tục thi cỗ cá đã hình thành trong tâm thức như thế.
Trước lễ hội khoảng nửa năm đến 9 tháng, các giáp thường cử người đi mua cá to, đem về ao thả. Giáp trưởng chịu trách nhiệm nuôi cá, ao nuôi cá phải thoáng mát, nước trong, sạch sẽ. Đến sát ngày hội, làng thuê người về gò nồi đồng, nồi thường được gò theo hình chữ nhật, chiều dài và chiều rộng của nồi được áng chừng theo kích thước cá.
Vào hội, các giáp đánh cá và chọn ra những con cá to nhất. Cá trắm đen xưa phải có độ dài 12 vổ (mỗi vổ bằng độ rộng ngang của 1 bàn tay khép chặt), nay tính theo ki lô gam phải nặng từ 5 – 7 kg. Cá chép (hoặc cá trôi) phải nặng từ 1-3 kg.
Cá được làm sạch, đem xát muối, rửa sạch rồi lại xát muối, treo lên 2 tiếng cho khô rồi tẩm ướp gia vị, cho lá sung, rau thơm và lá chuối khô vào bụng cá cho căng sau đó dùng lá chuối tươi hơ nóng cho mềm gói cá lại cho thật thẳng rồi đặt cá vào phên rọ, tránh làm trật vẩy, gẫy vây, gẫy đuôi. Đun nước nóng già rồi mới thả cá vào luộc. Thời gian luộc cá được tính bằng thời gian cháy một que hương. Khi cá chín, vớt cá ra, nắn cá cho thật thẳng và giữ cho cá không bị bong vẩy, quăn vây, trông giống như cá còn sống, đang bơi, thịt cá phải thơm, dậy mùi gia vị.
Cỗ cá có hai loại cỗ kép và cỗ đơn.
Cỗ kép là cỗ có hai tầng : Tầng trên gồm 1 con cá trắm đen và 4 con cá chép (hoặc cá trôi) bày trên gắng (phên gỗ). Cá trắm bày ở giữa, bốn cá chép bày ở 4 góc, phía dưới cá rải lá đinh lăng, miệng cá cài hoa mẫu đơn, cá được xếp trong tư thế đang bơi, bụng ở dưới, lưng ở trên, không bao giờ được đặt cá nằm nghiêng. Tầng dưới cỗ kép gồm có 2 đĩa giò lụa, hai đĩa giò pha, 1 đĩa 4 chả chìa, 1 đĩa 4 quả nem, một đĩa dưa hành, 1 bát miến mọc, 1 bát ninh 2 chân giò, 1 đĩa xôi và 4 bát tàu đựng thịt luộc thái phay đặt ở 4 góc đỡ gắng đựng cỗ cá tầng 2.
Cỗ đơn được đặt trên mâm gỗ hình chữ nhật, cũng cá trắm đặt ở giữa, 4 cá chép đặt ở 4 góc, miệng cá ngậm hoa mẫu đơn, xung quanh cá trang trí hoa lá cho sinh động, đẹp mắt.
Cỗ làm xong, làng tổ chức chấm thi, cỗ nào đạt giải nhất sẽ được đưa vào đền dâng cúng các vua Trần.
Trong những năm gần đây người dân không thực hiện quy trình luộc hoặc hấp cá mà sử dụng dầu để làm chín cá. Cá được làm sạch, tẩm ướp gia vị sau đó được đặt nên các phên đan bằng cật tre, gác lên trên các chảo dầu đang xôi, dùng gáo múc dầu đang xôi rưới lên mình cá, làm cá chín dần ở độ nóng vừa phải, vừa giữ được hình dáng cá, vừa giữ được độ ngọt tự nhiên của thịt cá. Với cách làm chín cá bằng dầu xôi này, người ta không phải nắn chỉnh lại hình con cá sau khi chín, như thế vừa giữ được vệ sinh mà vẫn có được tạo hình thẩm mỹ rất cần thiết đối với các cuộc thi.
* Tục thi vật cầu :
Trước kia, tục thi vật cầu thường được tổ chức tại sân đền thờ các vua Trần. Sân rộng chừng 1 sào (360 m2), giữa sân và bốn góc sân được đào các hố có đường kính miệng 40 cm, sâu 50 cm, dùng bùn ao đỏ vào các hố. Cầu được làm bằng củ cây chuối hột gọt tròn, nhẵn như quả bóng đá. Người chơi cầu là nam thanh niên do các giáp cử ra, gọi là các phe cầu.
Điều khiển trận đấu là một trọng tài đầu vấn khăn đỏ, thắt lưng màu đỏ, tay cầm trống khẩu.
Mỗi phe cầu cử một người khỏe mạnh nhanh nhẹn đứng chờ cạnh hố cầu ở giữa sân. Khi hồi trống khẩu thông báo trận đấu bắt đầu vừa dứt, 4 người đại diện cho 4 phe liền xông vào, vục tay xuống hố tìm cầu. Quả cầu được gọt tròn, nhựa củ chuối kết hợp với bùn non tạo ra nhớt làm quả cầu trơn rất khó giữ, vì thế đưa cầu nên được khỏi miệng hố là việc làm rất khó khăn. Người đưa được cầu nên khỏi miệng hố chưa chắc đã mang được cầu về cho đồng đội. Vì tất cả các cầu thủ trên sân đều có quyền cướp cầu, người này giành được cầu, người kia vào tranh cướp, cứ thế cuộc thi diễn ra trong tiếng trống thúc và trong tiếng reo hò của người dự hội. Cuộc thi chỉ kết thúc khi một trong bốn đội mang được cầu về thả xuống hố ở góc sân của đội mình. Vì thế thời gian dành cho hội thi vật cầu không cố định, có khi chỉ nửa ngày, có khi cả một ngày.
Phần thưởng cuộc thi vật cầu là một phẩm oản to (tương đương với một đấu gạo nếp), 10 oản đỗ và 1 đĩa chè kho. Về giá trị vật chất, phần thưởng không lớn nhưng về tinh thần, người dân đều cho rằng phe nào thắng cuộc, năm đó làm ăn sẽ gặp được nhiều thuận lợi, may mắn.
* Tục thi đấu gậy :
Đây là tục thi được cho là có liên quan mật thiết đến tinh thần thượng võ và tưởng nhớ đến các vua Trần với võ công hiển hách, ba lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông.
Thi đấu gậy là cuộc thi của tất cả các làng trong vùng, tay gậy là các võ sĩ đến từ các lò võ nổi tiếng của huyện Hưng Hà như lò võ Phú Hà ( Tân Lễ), lò võ Lê Xá (Tiến Đức), lò võ làng Nứa, lò võ làng Ngừ (xã Liên Hiệp) …
Thời gian tổ chức thi đấu gậy được tổ chức trong suốt 3 ngày hội. Gậy thi đấu có kích thước dài 2,2 mét được làm bằng tre đực, (đã qua ngâm nước) được sơn màu đỏ.
Điều khiển các trận gậy là một trọng tài, đầu chít khăn đỏ, lưng thắt đai đỏ, tay cầm trống lệnh.
Các võ sĩ đấu gậy được bốc thăm theo từng cặp, được trọng tài dẫn vào sân và thi đấu theo hiệu lệnh của trọng tài.
Mở đầu trọng tài hô : “Chấn tuyền”. Hai võ sĩ múa gậy biểu diễn khoe kỹ thuật múa gậy trước công chúng.
Trọng tài hô “Bích thủy”, lập tức hai võ sĩ tiến lại gần nhau, đứng thế thủ.
Trọng tài hô “Song môn” hai bên chạm gậy vào nhau chuẩn bị thi đấu.
Trọng tài hô “chỉ tiến” hai võ sĩ sẽ chống gậy xuống đất chờ lệnh.
Trọng tài hô “Chỉ tụng” hai võ sĩ sẽ bắt đầu thi đấu trong tiếng trống thúc, trong tiếng reo hò cổ vũ của người dự hội. Mỗi hiệp đấu thường kéo dài khoảng 35 phút, mỗi trận đấu thường có 2 đến 3 hiệp để phân thắng bại. Võ sĩ bại sẽ bị loại trực tiếp, còn các võ sĩ thắng sẽ được thi đấu tiếp với nhau, để sau ba ngày sẽ chọn ra người chiến thắng. Người chiến thắng sẽ được làng thưởng 4 quan tiền.
Các cuộc thi đấu gậy được tổ chức hàng năm, quen thuộc đến nỗi người xem nhận ra thế võ đặc trưng của mỗi làng (làng Phú Hà có thế võ gia truyền nhanh mạnh khiến đối phương dính đòn mà không kịp trở tay; làng Lê Xá nổi tiếng với thế võ “róc mía” khiến đối phương đã dính đòn phải vội vàng buông gậy nếu không muốn gậy của đối phương róc mạnh vào tay như kiểu người ta dùng dao róc mía…).
* Tục thi thả diều :
Tục thi thả diều diễn ra trong thời gian tổ chức lễ hội đền Trần, do Lý trưởng hoặc tiên chỉ trong làng đứng ra tổ chức.
Diều dự thi phải có kích thước từ 2 đến 6 thước ta (khoảng 1.5 mét trở lên), trên thân diều phải gắn ít nhất 3 loại sáo (sáo cồng, sáo chiêng, sáo còi hoặc sáo ri…)
Dây diều có thể làm bằng dây đay hoặc dây lạt, được se hoặc bện lại sao cho độ to của dây ngang bằng đầu đũa. Sau khi se, bện xong phải cuộn tròn, cho vào nồi nước có pha muối luộc rồi ủ trấu qua đêm cho dây mềm và chắc.
Khi thả diều phải có hai người, một người đâm diều, một người nhả dây, diều nào lên cao nhất, sáo diều nghe hay nhất thì sẽ được làng trao giải. Phần thưởng cho người thắng cuộc chỉ có một phẩm oản nếp, một phẩm oản đỗ xanh nhưng năm nào cũng thu hút được người tham dự rất đông.
* Tục thi chọi gà :
Cũng như thi đấu gậy, thi chọi gà không chỉ bó hẹp trong cộng đồng cư dân trong làng mà là cuộc thi của cả một vùng, đáp ứng thú chơi gà của rất nhiều người.
Gà thi đấu được lựa chọn và chăm sóc rất công phu, thức ăn của gà có khi trộn thuốc bổ, có khi lại dùng chân chó ninh nhừ … gà thi đấu phải đáp ứng yêu cầu gân săn, da thịt đỏ au, chân cựa khỏe, đẹp, trọng lượng từ 2,9 đến 3 kg.
Trước khi vào thi đấu, ban tổ chức và các ông chủ gà phải vào đền làm lễ dâng hương, tưởng nhớ tới các tướng lĩnh, quân sĩ nhà Trần, sau đó mang gà ra sới.
Sới gà rộng chừng 20 m2, được đổ cát làm nền, dùng cót cao khoảng 40 – 50 cm quây kín, mỗi trận đấu gà thường có ba hiệp, mỗi hiệp kéo dài khoảng 5 phút. Đô gà nào thắng thì được thưởng tiền 3 xu. Đô gà thua có khi chết, có khi không bao giờ còn đi thi được nữa., Nhưng tục thi chọi gà tại lễ hội đền Trần, xưa nay vẫn có rất nhiều người tham gia và thường kéo suốt 3 ngày hội.
* Tục thi nấu cơm cần :
Thi nấu cơm cần tại lễ hội đền Trần, không có nhiều nghi thức rườm rà như ở nhiều nơi, mỗi giáp thi chỉ cần 3 người tham gia, hai người khiêng một đòn quang đựng thúng, trong thúng kê sẵn bếp, trên bếp đặt sẵn nồi đã tra gạo và nước.
Khi hiệu lệnh bắt đầu cuộc thi vang lên, những người chịu trách nhiệm khiêng quang đựng bếp và nồi phải chạy, người tham gia chơi cùng vừa phải chạy theo, vừa phải chẻ tre thành những thanh đóm mỏng, châm lửa, giữ lửa, điều chỉnh ngọn lửa sao cho hết một tuần hương cơm phải chín. Nồi cơm nào đủ hơi, cơm chín đều, không khô, không nhão sẽ được làng chấm giải và trao giải ngay trước cửa đền thờ các vua Trần.
* Tục giao chạ với làng Vân Đài, xã Chí Hoà, huyện Hưng Hà
Bên cạnh lễ hội tháng giêng với các nghi thức tế lễ theo nghi thức cung đình và các trò thi mang tính thượng võ hoặc mang đậm nét văn hóa của cuộc sống chài lưới để tưởng nhớ và ghi nhớ thuở hàn vi của các vua Trần, làng Tam Đường còn có một lễ hội khác được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, lễ hội này được ghi vào Điển lệ của làng từ năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773). Mục lệ thứ 4, điển lệ ghi :
“Ngày 15 tháng 2, lệ cũ có thờ cúng ở miếu bà Thái hậu triều Trần, ngày hôm đó theo lệ có cuộc giao hảo với xã Vân Đài, huyện Diên Hà, quan viên ở xã đó tới thăm và vào đền ta bái yết, có biện lễ trà, oản để tiếp đãi. Tế xong thì đem cỗ bàn khoản đãi. Ngày hôm sau cũng như ngày hôm trước, tế xong thì giải tán.
Đến ngày 15 tháng 9 thì các quan viên ở xã Thái Đường, Ngọc Đường, Phú Đường theo ngày ấy đến chùa xã Vân Đài bái yết. Xã ấy cũng chuẩn bị lễ vật khoản đãi lại như tiết tháng 2”.
Trong sổ hương ước của làng Vân Đài, tổng Vị Sỹ, huyện Diên Hà do lý trưởng làng Vân Đài khai, Chánh tổng Vị Sỹ duyệt ngày 22 tháng 4 năm 1937, khoản 40 cũng ghi :
“Tháng 2 ngày 15, 16 lệ giao hảo thời dân xã huynh dịch là 64 người phải đầy đủ đồ tế phục đến yết tế đền làng Thái Đường”
Khoản 38, hương ước làng Vân Đài cũng ghi “Tiết tháng 9 vào hội hai ngày là lệ giao hảo (thời ngày 15, 16 tháng 9), có huynh dịch làng Thái Đường là 64 người đủ đồ lễ phục đến tế ở đền Thánh mẫu tại bản xã, dân xã phải làm cơm, canh, trà, quả, oản và cỗ bàn để yết tế trong 2 ngày, rồi khoản đãi huynh dịch hai làng ấy. Cỗ ấy có hai hạng : Cỗ kép 20 cỗ, mỗi cỗ là một con cá trắm lệ là 1 vổ 3 và 4 con cá chép, kèm giò 8 đĩa, mỗi đĩa dầy 1 tấc, rộng 2 tấc rưỡi và nem, chả nữa, đáng giá 3 đồng 2 hào một cỗ. Hạng cỗ đơn 22 cỗ, mỗi cỗ là 5 con cá chép, giò 8 đĩa và nem chả nữa, đáng giá 3 đồng 1 cỗ”
Theo báo cáo kiểm kê của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam về di sản văn hóa phi vật thể tại lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà[1] thì vào ngày 15, khi làm xong cỗ cá để thi, dân làng chờ đến đúng giờ Ngọ, lập đoàn dẫn kiệu ra cây đa phía đầu làng đón chạ em Vân Đài vào Đền, hai chạ cùng tiến hành dâng lễ và tổ chức tế, sau đó cùng nhau thụ lộc, hàn huyên giao lưu cho đến tối, cùng xem hát chèo. Ngày hôm sau, chạ em Vân Đài chia thành từng nhóm, đến thăm các gia đình ở làng Tam Đường có tang trong năm, đến thăm và tặng quà các bậc lão niên trong từng dòng họ. Chiều ngày 16, chạ chị Tam Đường làm lễ tiễn chạ em trở lại nhà, không quên hẹn đến giữa thu, sẽ đến Vân Đài giao chạ, làm lễ đại kỵ công chúa Ngọc Dung. Vào lúc chia tay dân làng Tam Đường thường lưu luyến, bịn rịn tiễn chạ em ra tận đầu làng, họ chia tay nhau trong sự quyến luyến và cảm động.
Lễ hội đền Trần là một lễ hội lớn ở đó còn nhiều tục thi liên quan đến tinh thần thượng võ của nhà Trần (vật cầu, đấu gậy), có những tục thi do nhân dân sáng tạo và giữ gìn để tỏ lòng tri ân với nhà Trần (thi cỗ cá), lại có những tục thi thể tinh thần giao hiếu, hòa hảo của dân tộc Việt (tục giao chạ với làng Vân Đài)… Cũng như rất nhiều lễ hội khác ở Thái Bình, lễ hội đền Trần đã chịu sự đứt gãy của lịch sử, do chiến tranh, do nhận thức sai lầm về di sản văn hóa phi vật thể…Hiện nay, lễ hội đền Trần đã được khôi phục lại và được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong tương lai gần cần có biện pháp để trao chuyền việc thực hành nghi lễ cho các thế hệ tiếp nối ở vùng đất địa linh này.