GIỚI THIỆU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT KHU LĂNG MỘ VÀ ĐỀN THỜ CÁC VỊ VUA TRIỀU TRẦN HUYỆN HƯNG HÀ – TỈNH THÁI BÌNH

 ĐỀN TRẦN VÀ THÁI ĐƯỜNG LĂNG

  1. Truyền thuyết về mộ tổ nhà Trần ở Thái Đường.

Văn hóa dân gian ghi nhận câu chuyện đượm màu thần bí. Đó là câu chuyện chọn đất đặt mộ tổ họ Trần: Chuyện kể rằng:

Ông tổ họ Trần (Trần Kinh) đến ở Hương Tức Mặc (Nam Định ngày nay) rất thạo sông nước, sống bằng nghề chài lưới lênh đênh trên sông Nhị Hà, chỗ nào cũng là nhà, lấy người con gái ở Hương ấy sinh ra Trần Hấp. Vào thời Lý Thần Tông (1128 – 1138), có một thầy địa lý đi xem tướng đất, thấy ở Hương Tinh Cương xã Thái Đường huyện Ngự Thiên Phủ Long Hưng có một Gò Hỏa Tinh, thầy cười mà nói rằng: Ở nơi bằng phẳng lại nổi lên một gò lớn, hẳn không phải là hoang địa.

Thầy vào làng bên nghỉ trọ trong 1 gia đình, biết thầy là người giỏi xem đất gia đình ngỏ ý nhờ thầy giúp tìm nơi đặt mộ. Cảm ơn việc đối xử tốt của gia đình, thầy địa lý đã đồng ý giúp, song đề phòng bất trắc thầy dặn sau này khi trời mưa to sấm chớp thấy trên mặt mộ có màu đỏ thì phải chuyển mộ ngay, nếu không gia đình sẽ bị triệt diệt. Xong việc đặt mộ sợ bị lộ, người khác biết được gia đình ấy đem lòng bội bạc trói thầy địa lý quẳng xuống sông. May thay gặp lúc thủy triều xuống và lúc đó Trần Hấp đánh cá gần đó thấy người kêu cứu liền tới đem lên thuyền và hỏi duyên cớ. Cảm ơn sự chăm lo chu đáo của Trần Hấp thầy địa lý thưa rằng: “ Tôi đội ơn người đã cứu tôi thoát nạn xin tìm nơi cát địa để báo ơn”. Thầy địa lý bèn hướng dẫn Trần Hấp nấu 1 nồi nước nâu, nhân khi trời mưa to gió lớn đem đổ lên mặt mộ gia đình nhà kia. Gia đình nhà kia thấy trên mặt mộ của nhà mình như lời thầy địa lý dặn bèn vội vàng chuyển mộ đi nơi khác.

Theo sự chỉ dẫn của Thầy, giờ lành ngày Tân Dậu tháng Đinh Tỵ năm Quý Sửu, Trần Hấp di mộ cha từ Tức Mặc (Nam Định) về đặt lại gò Hỏa Tinh, tiền của tốn phí hơn nghìn hốt. Mộ đặt tại Hướng Càn (Bắc) nhìn ra ngã ba sông lớn, tục gọi là Cửa Vàng. Phía sau gối lên cổ bi phục tượng, Tả Hữu la liệt cờ trống.

Thế đất đặt mộ cha Trần Hấp Theo thầy địa lý là “ Phấn đại đương giao chiếu, liên hoa đối diện sinh, tha nhật dĩ đắc thiên hạ” (Nghĩa là phấn son cùng chiếu rọi, trước mặt nở hoa sen, sau này có người do nhan sắc mà lấy được thiên hạ), Lại nói “ Nữ nhập cung phi, nam cư phụ chính”.

Đó là truyền thuyết đượm màu huyền bí sẽ chắt lọc được những tư liệu khá logic của mỗi sự kiện, trong từng thời gian cụ thể. (Sẽ được trích dẫn ở phần sau).

Trải 28 năm trước khi sinh Trần Lý, Trần Hấp đã gắn bó với vùng đất Thái Đường. Khi Trần Lý trưởng thành đã tiến về phía Bắc và định cư ở làng Hải Ấp (nay là xã Canh Tân) cách Tiến Đức 3 km. Thực tế; dòng dõi họ Trần thạo nghề sông nước, dọc địa bàn ven sông Hồng là ngư trường hoạt động chủ yếu là lẽ đương nhiên. Thái Đường với Hải Ấp cách nhau không đáng là bao. Vào thời Lý Cao Tông (1176 – 1210) Hải ấp là quê hương tướng quân Đàm Phùng Thị, một danh nhân triều Lý. Con gái của đàm Tướng Quân trở thành hoàng hậu của vua Lý Cao Tông. Bà Hoàng hậu họ Đàm đã sinh ra Thái Tử Sảm.

Lúc ấy, họ Trần ở vùng Hải Ấp (Hưng Hà) là quê ngoại của Thái Tử Sảm, nhờ có nghề chài lưới mà giàu có, có thế lực, quy tụ được lòng dân. Trần Lý sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). Một trong 2 người con gái ấy là Trần Thị Dung, sau này kết duyên cùng Thái Tử Sảm của vương triều Lý. Thiên tình sử đó diễn ra trong bối cảnh quốc gia có nhiều biến loạn. Kết quả của cuộc tình mặn mà ấy là 2 công chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh ra đời; để rồi sau này Chiêu Thánh công chúa (Lý Chiêu Hoàng) trở thành hoàng hậu đầu tiên của vua Trần. Đó là Trần Cảnh (Trần Thái Tông).

Như vậy, nhà Trần ở Tức Mặc, chỉ có một đời, từ đời Trần Hấp đã di mộ tổ sang Thái Đường (năm Quý Sửu 1133), thì Tức Mặc chỉ còn là quê ngoại, tính đến Trần Cảnh, thì nhà Trần ở đất Long Hưng, trước khi dấy nghiệp đã có tới 4 đời (khoảng 70 năm): Trần Hấp sinh Trần Lý, Lý sinh Thừa, Thừa sinh Cảnh là vị vua khai sáng triểu Trần.

Vì vậy có thể nói rằng: Thái Đường Phủ Lộ Long Hưng (Tiến Đức ngày nay) là nơi phát tích nhà Trần, nơi sinh tồn phát triển và dựng nghiệp của một triều đại có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ quốc gia Đại Việt trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

  1. Những tư liệu khoa học về Lăng mộ thời Trần ở Thái Đường.

Xưa nay sử sách đều ghi nhận: Sau khi các vị vua sáng và các hoàng hậu nhà Trần tạ thế, đều đưa về an táng tại Phủ Lộ Long Hưng và Kiến Xương (Hành Cung lỗ Giang) có lăng miếu phụng thờ.

Trước hết cần phải lý giải rằng: Vì sao đất Thái Đường Tinh Cương, Long Hưng xưa, Tiến Đức Ngày nay, được các vua Trần chọn làm nơi tôn miếu, lăng mộ: Trong lịch sử phong kiến nước ta, 2 vấn đề: Tôn miếu và xã tắc là 2 mục tiêu quan trọng của mỗi vương triều. Xã tắc là đất đai cương vực, cộng với sức dân trăm họ, đó là cái sở hữu của vương triều. Xã tắc an hay nguy thì Vương triều vững hay nghiêng đổ. Tôn miếu và lăng tẩm, cùng đền miếu thờ tổ tiên và các tiên Đế, Tiên Hậu, là khí thiêng âm trạch truyền đời của Vương tộc là lực lượng tinh thần để quy tụ lòng dân trăm họ dưới một ngọn cờ. Tôn miếu Hưng hay Phế, mồ mả tổ tiên an toàn hay bị đào bới, thì Vương triều vinh hay nhục, còn uy linh để ngự trị trên xã tắc hay mất thiêng với bàn dân thiên hạ.

Xưa nay các Vương triều từ thời Lý đều chọn đất phát tích làm nơi đặt tôn miếu như Đình Bảng (Hà Bắc cũ nay là tỉnh Bắc Ninh) của nhà Lý, Lam Sơn (Thanh Hóa) của nhà Lê.

Đến thời Trần, sự lựa chọn nơi đặt tôn miếu cũng nằm trong tư duy chính trị ấy. Như đã nêu trên và căn cứ thực tế đời sống cổ truyền của dân tộc, thì quan niệm nơi sống và nơi chết có liên quan hữu cơ với nhau: “Sống ngâm da, chết ngâm xương”. Mộ tổ là tiêu chí quan trọng để có thể tìm kiếm đất phát tích của một dòng họ, một gia đình là vì vậy mà Thái Đường được nhà Trần chọn làm nơi đặt tôn miếu. Do vị trí của Thái Đường thuận lợi cho giao thông vì thế được nhà Trần chọn là hậu phương của mình. Xét về địa thế quân sự, tôn miếu nhà Trần ở Thái Đường an toàn hơn cả Kinh Đô chính vì vậy các vùng phụ cận là nơi sơ tán của vương triều khi giặc kéo vào kinh đô. Trong đó, có vai trò của người con gái làng Ngừ (Trần Thị Dung) vô cùng to lớn. Cuối thời Trần, trước những cuộc lấn chiếm của người Chiêm Thành lợi thế quân sự đó không còn nữa, lănng mộ các đời sau, chuyển về Yên Sinh – Quảng Ninh.

Trở lại Thái Đường xưa – Đất phát tích – Đất lăng mộ tôn miếu nhà Trần hơn 700 năm trước, đã nhiều năm qua, giới nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học Việt Nam đã cố gắng phục dựng lại tôn miếu các vua Trần đã có những kết quả ở mức độ nhất định. Đúng là:

Thái Đường lăng linh dị giang sơn

Trần sử diễn truyền kim thắng địa

(lăng Thái Đường linh dị núi sông, sử triều Trần còn truyền danh thắng)

Xin trích dẫn vài cứ liệu:

+ Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Giáp Ngọ năm thứ 3 (1234) mùa Xuân, tháng Giêng ngày 18 Thượng Hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi, mùa Thu tháng 8 ngày 28 chôn ở Thọ Lăng Phủ Long Hưng ở Hương Tinh Cương, Dụ Lăng, Đức Lăng, Chiêu Lăng, ba lăng đều ở hương ấy”.

+ Sách Đại Nam Thống Chí chép cụ thể hơn: “ Mộ tổ nhà Trần ở xã Thái Đường huyện Hưng Nhân, trước kia có bia, nhưng từ sau khi Tây Sơn nổi lên thì bia này mất chỉ còn lại rùa. Ở đây có miếu thờ 4 vua Trần: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông.

+ Sách Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn cũng ghép tương tự “ xã Thái Đường huyện Ngự Thiên có 4 cái lăng: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông lại có lăng của 4 hoàng hậu”.

+ Sách Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược ghi cụ thể hơn “Miếu thờ các vua Trần ở xã Thái Đường hướng Nam, trước miếu có 3 gò ấn kiếm, sau miếu có 7 gò thất tinh”.

+ Sử cũ chép: Lăng của Thái tông là Chiêu Lăng, lăng của Thánh tông là Dụ lăng, lưng của Nhân Tông là Đức lăng, Thọ lăng của Trần Thừa (Trần Thái Tổ) (Đại việt sử ký toàn thư -sđđ).

Trong 4 vị hoàng hậu thì 2 vị được ghi rõ: Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Hậu ( vua Trần Nhân Tông) Tuyên Từ Hoàng Hiển Từ Thái Hậu (em gái Khâm Từ). Hai vị còn lại khả năng là: Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu (vợ vua Thái Tông) và Nguyên Thánh Thiện Bảo Hoàng Thái hậu (vợ vua Thánh Tông).

Thái Đường không chỉ là nơi an nghỉ của các Tiên Đế, Hoàng Hậu, tín ngưỡng cung đình, lễ mai táng thờ cúng thông thường mà còn là nơi diễn ra những sự kiện chính trị quốc gia.

+ Ngày15 tháng 5 Ất Dậu 1285, trên đường hành quân chống giặc Nguyên lần thứ 2 sau khi thắng trận ở Trường Yên và Chương Dương. Thượng Hoàng và Trần Nhân Tông làm lễ bái yết các lăng ở Long Hưng (Thái Đường) để báo tiệp và cổ vũ ý chí chiến đấu cho tướng sỹ.

+ Đặc biệt lễ mừng chiến thắng Nguyên Mông lần thứ 3. Ngày 17 tháng 3 Mậu tý (1288) một sự kiện sinh hoạt có ý nghĩa to lớn diễn ra tại Thái Đường. Đó là Thượng Hoàng Thánh Tông và vua Nhân tông đem các tướng giặc bị bắt: Tích Lệ Cơ, Nguyên Soái Ô Mã Nhi, Tham Chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp và các vạn hộ, thiên hộ làm lễ đăng thắng trận ở Chiêu Lăng, trong cuộc lễ lớn này vua Trần Nhân Tông đã đọc 2 câu thơ bất hủ:

Xã Tắc lưỡng hồi lao Thạch Mã

Sơn hà Thiên cổ điện kim âu

Hai vua và triều thần lưu lại Thái Đường 10 ngày rồi trở về kinh đô

+ Mùa hạ (1312) vua Trần Anh Tông đi tuần thú biên giới phía nam về, cũng làm lễ báo tiệp tại lăng các Tiên Đế tại Thái Đường Phủ Long Hưng (ĐVSKTT).

+ 11- 1390 với chiến thắng của Trần Khát Chân tại cửa Hải Thị – Ngự Thiên giết được vua Chiêm là Bồng Chế Nga, vua Trần Thuận Tông cũng về Long Hưng bái yết để dâng công chiến thắng.

Qua những điều tra nghiên cứu lịch sử và khảo cổ đã xác nhận:

+ Thứ nhất: Thái Đường xưa – Tam Đường nay là khu mộ địa thời Trần.

Phía nam gồm các phần (Mộ) Thính – Trung – Đa – Bụt – Cựu, Mả tít: riêng phần Cựu đã được khai quật (1979).

Phía Bắc: Phần Lợn, Phần Ổi, Phần Quang, Phần Mao.

Riêng phần Mao đã được khai quật (1968) phần mộ có tên “Mả Bà Già” bị phá hủy năm (1975).

+ Thứ hai Tam Đường còn bảo lưu rất nhiều phế tích kiến trúc thời Trần.

– Tháng 12 năm 1972 tìm thấy hàng trăm viên gạch chỉ mặt cạnh in chữ nổi “ Vĩnh Ninh Trường” và nhiều phiến gỗ, bát đĩa, men ngọc, men rạn…

– Mùa xuân (1973) nhân dân thu lượm được số lượng lớn đầu rồng bằng đất nung, ngói mũi hài có gắn lá đề lợp hiên, mô hình nhà bằng đất nung cùng nhiều viên gạch hoa cỡ lớn, gạch để trơn hình chữ nhật.

– Năm 1979 – 1980 Viện Khảo cổ phối hợp với Sở VHTT tỉnh khai quật đã thu được 296 hiện vật lớn và hàng nghìn hiện vật gốm đất nung.

  1. Bố trí thờ tự nội thất Đền Trần.

* Đền Vua (Thờ liệt Tổ và các vị Vua đầu triều Trần)

+ Tòa Hậu Cung

– Chính cung thờ:

  1. Linh vị cụ Trần Kinh (Truy tôn mục tổ Hoàng đế).
  2. Linh vị cụ Trần Hấp (Truy tôn linh tổ Hoàng đế).
  3. Linh vị Nguyên Tổ Trần Lý (Truy tôn Nguyên tổ Hoàng đế).
  4. Thánh Tượng Thái Tổ Trần Thừa (Truy tôn Thái Tổ Hoàng đế). Ông là con trưởng của Trần Lý tháng 10 năm Bính Tuất (1226) ông chính thức vào ngôi Thượng Hoàng đế củng cố Vương Triều, xây sựng đất nước. Thượng Hoàng băng ỏ cung Phụ thiên năm Giáp Ngọ thứ 3 (1234) tháng Giêng ngày 18. Mộ táng tại Thọ Lăng -Thái Đường. 12 năm sau khi ông mất, ông được truy tôn là Thái Tổ.

– Bên phải thờ Thánh Tượng Thống Quốc Thái Sư Trần Thủ Độ. Ông là một nhân vật kiệt xuất đi đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần. Ông qua đời vào năm Giáp Tý (1264). Hiện có đình thờ và lăng mộ tại xã Liên Hiệp, Hưng Hà.

– Bên trái thờ Thánh Tượng Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung. Sinh thời bà là người con gái tài sắc vẹn toàn Bà đã dàn xếp mọi bất bình nội tộc để củng cố niềm tin và đoàn kết chống thù trong giặc ngoài xây dựng Vương Triều phát triển kinh tế, xã hội. Bà mất năm (1259) hiện có đền thờ và lăng mộ tại xã Liên Hiệp, Hưng Hà.

+ Tòa Đệ Nhị:

– Chính giữa ban thờ Thánh Tượng vua Trần Thái Tông (Miếu hiệu của Trần Cảnh 1218 – 1277). Ông là đời vua đầu tiên của triều Trần, là con thứ (em Trần Liễu) của Trần Thừa được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi năm Ất Dậu (1225) truyền ngôi năm Mậu tý (1258) làm Thái Thượng Hoàng. Đến năm (1277)

ngày 1 tháng 4 (AL ) thì băng thọ 60 tuổi, mộ táng ở Chiêu Lăng – Thái Đường.

– Bên trái thờ Thánh Tượng vua Trần Thánh Tông (Miếu hiệu của Trần Hoảng 1240 -1290). Ông là đời vua thứ hai triều Trần, là con trưởng vua Thái Tông. Năm 1258 được vua cha truyền ngôi làm vua 21 năm. Năm Giáp Thân (1284) truyền ngôi cho Nhân tông làm làm Thượng Hoàng. Băng vào ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290) thọ 51 tuổi. Mộ táng ở Dụ Lăng – Thái Đường.

– Bên phải thờ Thánh Tượng vua Trần Nhân tông (Miếu hiệu của Trần Khâm 1258 – 1308). Ông là đời vua thứ ba của Triều Trần, là con trưởng vua Thánh Tông. Năm 1293 (Quý Tỵ) truyền ngôi cho con là Anh Tông làm Thượng Hoàng và Xuất gia. Năm Mậu Thân (1308) ngày 3 tháng 11 (AL) băng ở Am Ngọa Vân Yn Tử (Đông Triều – Quảng Ninh) thọ 51 tuổi. Thi hài được hỏa táng theo phép nhà phật, xá lỵ của ông được gửi gắm ở 3 nới, 3 đỉnh tam giác địa chính trị, quân sự dưới triều đại nhà Trần. Đó là Thái Đường (Long Hưng), Tức Mặc (Nam Định), Yên Tử (Quảng Ninh).

+ Tòa Bái Đường: Thờ Ngai và Bài Vị của hội đồng các quan, tả thờ Văn Quan, Hữu thờ Võ Tướng triều Trần.

* Đền Mẫu:(Thờ  Đức Quốc Mẫu, Hoàng Hậu và công Chúa triều Trần)

+ Tòa Hậu cung:

– Chính cung thờ Thánh Tượng Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung (Quốc Mẫu đầu tiên triều Trần)

– Bên phải: Thờ Thánh Tượng Hoàng Hậu Lý Chiêu Hoàng (Hoàng hậu đầu tiên của triều Trần)

– Bên Trái: Thờ Thánh tượng Trần Triều Quốc Thánh Hoàng Thái Hậu Lê Thị (vợ Thái Tổ Trần Thừa sinh ra Trần Cảnh “ Trần Thái Tông”, vị Vua đầu tiên của triều Trần)

+ Tòa Trung tế:

– Chính cung: Thờ Thánh Tượng Trần Triều Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Thái hậu (vợ Vua Trần Thái Tông)

Bên Trái: Thờ Thánh Tượng Trần Triều Nguyên Thành Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu (vợ Vua Trần Thánh Tông)

Bên Phải: Thờ Thánh Tượng Trần Triều Khân Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu (vợ Vua Trần Nhân Tông)

Bên trái tòa Trung Tế: Thờ Linh vị Trần Triều Thiên Thành Công Chúa (con gái Vua Trần Thái Tông vợ Trần Hưng Đạo) – Linh vị Trần Triều Huyền Trân Công Chúa (con gái Vua Trần Nhân Tông)

Bên phải Tòa Trung Tế: Thờ Linh vị Trần Triều An Tư Công Chúa (con gái Vua Trần Thái Tông)

Linh vị Trần Triều Phụng Dương Công Chúa (con gái Thống Quốc Thái Sư Trần Thủ Độ, vợ Thượng Tướng Thái Sư Trần Quang Khải).

+ Tòa Tiền Tế: Thờ Công Đồng Liệt vị Công Chúa Triều Trần.

* Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Tôn Thất.

+Hậu cung:

–  Linh vị thân phụ An Sinh Vương Trần Liễu – Linh vị Thân Mẫu Thiện Đạo Quốc Mẫu Trần Thị Nguyệt.

– Chính cung thờ Thánh Tượng Nguyên từ Quốc Mẫu (vợ Trần Hưng Đạo)

– Bên trái: Thờ Thánh Tượng Trần Thị Trinh (Trinh Công Chúa con gái lớn Trần Hưng Đạo, vợ vua Trần Nhân Tông)

– Bên phải: Thờ Thánh Tượng Trần Triều Anh Nguyên Quận Chúa (con gái nuôi Trần Hưng Đạo, vợ Điện Súy Thượng Tướng Phạm Ngũ Lão)

+ Tòa Trung tế:

– Chính cung thờ Thánh Tượng Đức Tiết Chế Quốc Công Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

– Tả hữu thờ Văn Quan Võ Tướng.

+ Tòa Phương Đình: Thờ linh vị Điện Súy Thượng Tướng Phạm Ngũ Lão (con rể Trần Hưng Đạo)

+ Tòa Đại bái: Thờ tứ vị Vương tử: Hưng Vũ Vương, Hưng Trí Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Hiến Vương (4 vị con trai Trần Hưng Đạo)

Cùng với quần thể di tích nhà Trần ở thôn Tam Đường còn nhiều di tích thờ Hoàng thân quốc thích, Hoàng Hậu, Công chúa nhà Trần tại  xã Tiến Đức, đền thờ Tướng Quốc Trần Nhật Hạo (Trần Nhật Hiệu), chùa Hội đồng và các xã khác trong huyện như Thị trấn Hưng Nhân, xã Liên hiệp, xã Canh Tân, xã Thái Phương, Khu di tích khảo cổ học Hành cung Lỗ Giang tạ xã Hồng Minh…

  1. Lời kết.

Đền trần và Thái Đường Lăng tại thôn Tam Đường – Hưng Hà – Thái Bình. Đất phát nghiệp  – Nơi đặt mộ tổ, các vị Vua, Hoàng hậu và Công chúa nhà Trần. Khu di tích được Bộ Văn hóa – thể thao và Du lịch công nhận là Khu di tích khảo cổ học và Di tích lịch sử Quốc gia năm 1990; năm 2014 Lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; năm 2014 Khu lăng mộ, đền thờ các vị Vua triều Trần huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Sự tồn tại của các công trình, những địa danh trên vùng đất  là biểu hiện tấm lòng của hậu thế hướng về cội nguồn, tôn vinh quá khứ hào hùng của quê hương đất nước về với Đền Trần và Thái Đường lăng là tìm về một vùng đất với những con người, những danh nhân của một Triều đại oanh liệt trong lịch sử nước nhà: “ Triều đại nhà Trần”.