Đền Vua được xây dựng với diện tích 6.498 m2. Đền thờ ba vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, phối thờ Thượng hoàng Trần Thừa + các vị cao tổ, tằng tổ nhà Trần là Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý và hai người có công mở nghiệp nhà Trần là Trần Thị Dung + Trần Thủ độ
Đền vua quay mặt về hướng Nam, hướng về ba ngôi mộ lớn là phần Trung, phần Bụt, phần Đa. Có một con đường trải nhựa chạy qua trước cửa đền Vua nối xóm Bến với các xóm phía trong của làng Tam Đường, con đường này đã chia tách đền vua + đền thánh + đền Mẫu ra khỏi sân lễ hội. Đứng từ đường nhìn vào đền vua sẽ thấy có các công trình kiến trúc như sau: Cổng đền, sân tế, giếng Ngọc, cổng đi sang đền Thánh, cổng đi sang đền Mẫu, cổng đi vào phía sau ngôi đền cùng các tòa Tiền tế, Trung tế, Hậu cung và hai tòa Giải vũ. Trên mặt bằng chữ nhật các công trình thờ cúng được bố trí theo kiểu “tiền chữ nhất (Tiền tế) hậu chữ đinh (Trung tế + Hậu cung)”. Các công trình phụ trợ như giếng ngọc, giải vũ được bố trí đăng đối ở hai bên khu đền chính, tạo cảnh quan và làm tăng thêm vẻ bề thế cho di tích.
* Cổng đền
Được xây theo kiểu “Tứ trụ lồng đèn”, hai trụ giữa có thiết diện vuông, kích thước 1.4 x 1.4 mét, cao 7.5 mét; Các chân trụ được tạo dáng thành các chân tảng kiểu quả găng, thân trụ soi chỉ để đắp câu đối, lồng đèn phía trên đắp tứ linh, trên lồng đèn đắp đấu, trên đấu đắp “phượng dành”. Hai trụ cạnh cũng có thiết diện vuông, kích thước 1.15 x 1.14 mét, cao 5.5 mét. Các chân trụ cũng được tạo dáng thành các chân tảng kiểu quả găng; lồng đèn phía trên đắp tứ quý, trên lòng đèn đắp đấu, trên đấu đắp nghê thần. Các cổng đều có mái, mái cổng không nằm ở phía trên mà nằm ở vị trí ngang với lồng đèn, mái cổng được làm thống nhất theo kiểu mái cong giống như mái đình truyền thống. Khẩu độ cổng chính là 3.6 mét, khẩu độ hai cổng nhỏ bên cạnh là 2.4 mét. Cổng đền chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, không có cánh và không có chức năng bảo vệ không gian nội thất của đền thờ.
* Sân tế, cổng phụ
Sân tế đền vua có kích thước 38 x 22 mét, sân được lát gạch vuông Giếng Đáy, xung quanh sân trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan và lấy bóng mát. Từ các góc phía Đông và phía Tây của sân có hai cổng phụ để đi sang đền Thánh, đền Mẫu, lại có hai cổng phụ khác ở giáp hai bên tòa Tiền tế mở lối đi vào nội tự đền Vua. Cả 4 cổng đều được xây theo kiểu chồng diêm, hai tầng, 8 mái, mái cong đao guột, đao đắp song loan.
* Giếng Ngọc
Đền Vua có hai giếng nằm ở phía bên Đông và bên Tây của sân tế nên được gọi là giếng Đông và giếng Tây. Giếng nước có hình chữ nhật, thành giếng kè đá, phía trên xây lan can, thành lan can được ghép bằng những viên gạch đất nung, hoa văn trên gạch được thiết kế như tiền đồng cổ. Trên bờ giếng, phía cạnh đường giao thông trồng một hàng dừa cảnh, các phía còn lại trồng các cây ngâu, mẫu đơn … lấy hoa phục vụ việc hương đăng của nhà Đền. Từ trên bờ phía Bắc của giếng có một cây cầu nhỏ được xây bậc lên xuống để lên xuống lấy nước, thành cầu đặt hai bệ đá chạm rồng.
* Tòa Tiền tế
Tòa Tiền tế đền Vua vốn là một ngôi đình cổ của của xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Năm 1992, Bảo tàng tỉnh Thái Bình trưng mua ngôi đình về dựng thành tòa Tiền tế đền thờ các vua Trần.
Tòa Tiền tế gồm 7 gian, kích thước dài 17.5 mét, rộng 10.5 mét; được xây theo kiểu chồng diêm hai tầng mái. Mái trên làm kiểu mái cong đao guột, chái mái bồ câu, đầu đao đắp song loan; góc bờ nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, chính giữa bờ nóc đắp hổ phù đội mặt trời (cách điệu). Mái dưới làm kiểu mái chảy hồi đắp đấu, bờ nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, đuôi long được cách điệu thành hình bánh xe luân pháp, đặt trên các đấu. Phần cổ diêm có 06 cột gỗ được liên kết giằng giữ bằng hệ thống các khung ngang, phần chính giữa làm khung tranh ván lụa, các ô bên cạnh lắp con song tiện để lấy không khí và lấy ánh sáng cho không gian nội thất ngôi đền.
Tòa Tiền tế có hiên rộng 1,1 mét được bó đá tảng, lát gạch vuông màu đỏ. Từ sân tế bước lên hiên phải qua ba bậc thềm rồng, các bậc thềm được ghép bằng các phiến đá xanh, kéo dài suốt 5 gian chính giữa của tòa Tiền tế. Gọi là thềm rồng vì hai đầu bậc thềm được giới hạn bởi hai con rồng đá, rồng ở đây được chạm mô phỏng theo kiểu rồng ở thềm điện Kính Thiên, mình uốn khúc, bờm vuốt dài, uốn lượn về phía sau như đang bay trong gió.
Hai gian hồi tòa Tiền tế xây tường, phía trước trổ cửa sổ hình chữ nhật, phía sau trổ cửa sổ hình tròn. Năm gian giữa tòa Tiền tế phía sau để trống, không xây tường; phía trước đặt khung lắp cánh cửa; cánh cửa tòa Tiền tế có hai loại. Loại cánh cửa ở bốn gian bên cạnh được làm theo kiểu cửa 4 cánh thượng song hạ bản, chân quay. Bộ cửa tại gian trung tâm tòa Tiền tế được làm mô phỏng theo phong cách chạm trổ trên bộ cánh cửa ở chùa Phổ Minh (Nam Định) – nơi thờ Trần Nhân Tông và có bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn nổi tiếng. Loại cửa này có hai cánh lớn, có độ dày xấp xỉ 20 cm, trên cánh cửa chạm nổi hình hai con rồng trong tư thế miệng vờn hạt minh châu, ngực tỳ xuống thấp, thân uốn lượn vút lên cao dần, quanh thân rồng chạm rất nhiều đao lửa, đầu đao nhọn hoắt, vút lên …nhìn vào như thấy hai con rồng đang vờn hạt minh châu trong một không gian rừng rực lửa.
Tòa Tiền tế đền Vua có 08 bảy hiên tiền, 08 bảy hiên hậu. Bảy hiên tiền được chạm trổ theo đề tài thông, mai, trúc, cúc và lá lật hóa rồng, kiểu chạm kênh bong, đường nét chạm trổ tinh xảo, mềm mại rất đẹp. Bảy hiên hậu đa phần được chạm văn triện và hoa văn lá lật, riêng hai thanh bảy tại gian trung tâm được chạm trổ cầu kỳ theo đề tài long, nghê, tiếc rằng hệ thống đầu rồng, đầu nghê hiện nay đã bị tháo mất.
Bộ khung kiến trúc của tòa Tiền tế có 04 hàng chân cột gồm 02 hàng 12 cột cái và 02 hàng 16 cột quân, liên kết dọc để giằng giữ hệ thống cột cái, cột quân là hệ thống xà dọc thượng, xà dọc hạ; Liên kết ngang để giằng giữ và đỡ mái là hệ thống vì nóc và vì nách. Tòa Tiền tế đền Vua có 08 bộ vì. Hai bộ vì ở hai đầu hồi được làm theo kiểu “Thượng rường, hạ kẻ” các thanh rường được chạm hoa văn lá lật, đặt trên các đấu chạm hoa sen, các thanh kẻ chỉ được chạm nhẹ hoa văn lá lật ở hai đầu. Bốn bộ vì gian cạnh làm thống nhất theo kiểu “giá chiêng chồng đấu”. Đấu chạm hình hoa sen, các thanh ngang chạm nổi các lá lật rất lớn, vị trí lá lật được tính toán rất khéo nhìn vào có cảm giác như đấu sen là các đĩa gỗ đang đựng đầy những bông hoa lá lật ở phía trên. Hai bộ vì gian chính giữa làm theo kiểu “ván mê”; tại vì nóc, mặt quay về gian trung tâm, chính giữa chạm hổ phù dữ tợn, hai chân hổ phù với móng vuốt nhọn hoắt, được đặt trên các đấu sen, bên dưới đấu sen chạm hai con nghê thần trong tư thế ghé vai, nghiêng lưng đỡ đấu; Mặt quay về phía các hồi có đề tài trang trí và phong cách chạm trổ giống hệt với các bộ vì gian bên. Nếu đứng từ hai gian hồi nhìn lên sẽ chỉ thấy các vì được chạm trổ theo một đề tài thống nhất như nhau.
Vì nách gian trung tâm tòa Tiền tế đền Vua là một tác phẩm nghệ thật điêu khắc hoàn hảo. Trên một mặt phẳng chỉ rộng hơn 1m2, các nghệ nhân dân gian đã tạo ra cả một thế giới linh thú sống động : Tại góc thấp của vì nách (nghé đỡ) chạm một con nghê thần đang suy tư trầm lặng, tại góc cao nhất của vì nách người ta thấy một con phượng đang xoải cánh bay, phía dưới là một con rồng đang nhàn tản ẩn mình trong các áng mây. Dưới chân rồng là một con long mã mang theo cả yên đang phi nước đại, phía trước long mã là một hồ sen ở đó có những con cá chép uốn mình nô đùa trong nước, có những con rùa đang trầm mình xuống ao hút nước, kéo theo cả lá và hoa sen dính bết trên lưng, trên hoa sen vẫn có những con chim nhỏ đang mải mê nghiêng ngó không biết cả hoa và chim đang bị rùa kéo nghiêng trên lưng nó.
Khi được mua về sử dụng để làm đền thờ các vua Trần, các chữ Hán khắc trên khung kiến trúc do không phù hợp với nội dung thờ tự nên đã bị xóa bỏ (kể cả dòng niên đại khắc trên thượng lương). Vì thế không còn căn cứ để xác định tuổi chính xác cho di tích. Nhưng căn cứ vào hoa văn chạm khắc trên khung kiến trúc, căn cứ vào dấu vết thời gian trên các cấu kiện gỗ có thể khảng định ngôi đình cũ – kiến trúc tòa Tiền tế đền Vua bây giờ có niên đại vào giữa thời Nguyễn (khoảng cuối thế kỷ XIX).
Trang trí trong tòa Tiền tế :
Trong tòa Tiền tế đền Vua treo 07 bộ cửa võng và 04 đôi câu đối :
– 07 bộ cửa võng treo ở vị trí dưới xà dọc hạ, giữa các cột cái hậu và dưới xà ngang hai gian đầu hồi. Các câu đối này đều mới được tiến cúng được sơn son thếp vàng rực rỡ, chạm khắc theo đề tài tứ linh, tứ quý. Tuy là đồ tiến cúng nhưng các cửa võng đều được đặt hàng từ làng nghề La Xuyên, Ý Yên, Nam Định nên có mỹ thuật đẹp và kích thước vừa khít với các khung cửa (khẩu độ giữa các cột cái).
– 04 câu đối treo trên các cột cái tiền, cột cái hậu ở ba gian trung tâm tòa Tiền tế. Các câu đối có kích thước bằng nhau, đều được làm theo kiểu lòng máng, diềm chạm hoa dây, lòng sơn son, chữ chạm nổi, thếp vàng.
Bài trí trong tòa Tiền tế :
Tòa Tiền tế đặt 03 ban thờ tại gian trung tâm và hai gian hồi.
Bàn thờ gian trung tâm tòa Tiền tế cao 0.86 mét, kích thước 2.1 x 2.1 mét, được làm theo kiểu chân quỳ, thành bàn phía trước chạm hổ phù, ba phía còn lại chạm văn mây và hoa văn lá lật hóa rồng. Trên bàn thờ, phía sau đặt một khám lớn, trong khám đặt ngai và bài vị; phía trước khám đặt một bộ đồ thờ gồm cây đèn, bát hương, đỉnh đồng. Cạnh bàn thờ đặt một đôi song bình lớn cùng hai hàng bát biểu.
Bàn thờ tại gian hồi phía Đông và phía Tây tòa Tiền tế đều cao 1.29 mét, kích thước 1.16 x 0.74 mét, thành bàn được sơn son, thếp vàng, chia ô, chạm khắc tứ linh, tứ quý, hoa lá hóa rồng. Trên hai bàn thờ đều đặt ngai, bài vị và 01 bát hương đồng.
* Tòa Trung Tế
Tòa Trung tế đền Vua vốn là một ngôi nhà thờ của giáo xứ Phương Xá, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 2000, ngôi nhà thờ đó được Sở VHTT Thái Bình trưng mua về làm tòa Trung tế đền Vua.
Tòa Trung tế được đặt ở vị trí cách tòa Tiền tế một khoảng sân rộng 14 mét, dài 22 mét. Sân được lát gạch vuông màu đỏ. Trên sân đặt một bàn thờ tam cấp, trên đặt một ngai thờ, phía trước đặt một lư hương đá, bên cạnh bày một bộ bát biểu.
Tòa Trung tế gồm 05 gian, 2 chái; xây kiểu mái cong đao guột, đao đắp song loan, và rồng ngậm bờ bò.
Nền tòa Trung tế cao hơn nền sân khoảng 60 cm. Từ sân bước lên hiên tòa Trung tế phải qua ba bậc thềm rồng. Cũng như tòa Tiền tế, ba bậc thềm rồng tòa Trung tế được ghép bằng các viên đá tảng, được cắt mài vuông vức. Trên thềm rồng tòa Trung tế được đặt bốn con rồng đá chia thềm rồng thành ba lối lên xuống, lối giữa có khẩu độ tương ứng với ba gian trung tâm tòa, hai lối bên có khẩu độ tương ứng với hai gian cạnh.
Hiên tòa Trung tế rộng 1.5 mét, lát gạch vuông màu đỏ. Phía trên hiên có các vì nách được làm theo kiểu ván mê, các ván mê đều có độ dày xấp xỉ 10 cm, trên ván mê và xà hiên chạm trổ thông, mai, trúc cúc và hoa văn lá lật, trên một số lá lật được khoét chìm các hạt tròn tạo thành các vòng hạt trân châu, tạo ra cảm giác là là khi nhìn vào một loại hoa văn trang trí lá lật rất phổ biến vào thời Nguyễn. Hệ thống bảy hiên tòa Trung tế cũng được chạm trổ hoa văn lá lật nhưng điểm xuyết lại có một số nút soắn tròn kiểu chôn ốc như tạo thành hoa, như tạo thành lá rất thú vị.
Phía trước tòa Trung tế không xây tường, toàn bộ hệ thống ván bưng, chắn phong, khung cửa, bạo cửa, ngưỡng cửa đều được làm bằng gỗ lim, dày, chắc chắn; 03 gian giữa tòa Trung tế lắp 03 bộ cánh cửa kiểu 4 cánh, thượng song hạ bản chân quay, hai gian hồi không xây tường, thưng gỗ, phần giữa trổ trổ cửa sổ lắp song tiện.
Bộ khung chịu lực tòa Trung tế có 06 hàng cột, gồm 02 hàng 12 cột cái, 03 hàng 18 cột quân (cột quân hậu có 02 hàng) và 01 hàng 08 cột hiên ở phía trước. Từ cách bố trí cột quân, cột cái, cột hiên có thể dễ dàng nhận ra tòa Trung tế đền Vua có không gian nội thất rất rộng và có 06 bộ vì. Phía hai gian hồi không có cột cái, chỉ có vì hồi và xà ngang chạy nối giữa hai cột quân tham gia vào việc đỡ mái chái nhà. 06 bộ vì của tòa Trung đường đều được là theo kiểu giá chiêng truyền thống, các đấu đỡ vẫn chạm hoa sen, các thanh ngang vẫn chạm lá lật, song trên lá lật lại có những nút soắn lớn hình trôn ốc, lại có những họa tiết tạo hình hoa huệ tây, nhìn vào vừa thấy quen, vừa thấy lạ …
Trang trí trong tòa Trung tế.
Hiện tại trong tòa Trung tế đền Vua đang treo một bộ ô sa ở vị trí giữa hai cột cái hậu gian trung tâm. Bộ Ô sa được làm bằng gỗ, kích thước 3.5 x 2.8 mét. Riềm phía trên Ô sa chạm “lưỡng long chầu nhật”, dọc theo thân chạm hoa văn trúc, đào. Lòng Ô sa chia thành 22 ô lớn nhỏ, chạm đăng đối theo đề tài “đào, trúc, cúc, mai”. Ô lớn nhất chạm mặt trời và các áng mây, hai ô cạnh chạm đăng đối hai con rồng đang chầu về phía mặt trời. Ô sa được sử dụng kỹ thuật chạm thủng, tạo ra cảm giác các như các họa tiết trang trí là những thực thể sống động. Trên cả bộ Ô sa chỉ có hai ô được để kín sơn son, đó là hai ô ở chính giữa, (ngay dưới vị trí diềm có hai con rồng chầu mặt nhật). Ô ở trên chạm nổi hoa sen, ô lớn ở dưới, chạm nổi 4 chữ “Đông A hào khí”.
Trên vị trí trên xà dọc hạ phía sau Ô sa treo một cuốn thư gỗ, diềm xung quanh chạm 4 con rồng lớn, hai con rồng ở phía trên đang chầu mặt nhật, hai con rồng bên cạnh miệng ngậm cuốn thư, phía dưới, chính giữa chạm một con nghê thần trong tư thế choãi chân dùng đầu để đội cuốn thư. Lòng cuốn thư chạm các chữ Hán “Phàm vi nhân hữu giả dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm”
Trong tòa Trung tế treo 04 Hoành phi (đại tự) ở vị trí trên xà dọc hạ, hậu các gian cạnh. Hai bức hoành phi treo ở hai gian hồi khung được chia ô chạm xen kẽ một ô hoa dây một ô hoa văn chữ vạn cách điệu. Lòng hoành phi sơn đỏ, chữ chạm nổi thếp vàng. Hai bức hoành phi treo ở gian cạnh, khung trang trí hoa dây, nền chạm thảm văn chữ vạn, được điểm xuyết văn mây và hoa văn toán tử, thếp vàng; chữ chạm nổi sơn đen.
Phía dưới 04 bức hoành phi treo 04 bộ cửa võng được chạm lỗng, trổ thủng, thếp vàng rực rỡ. Hai bộ cửa võng treo ở hai gian hồi được chạm trổ theo đề tài “ song mai hóa rồng”, hai gốc mai được chạm thành đầu rồng, cành mai chạm thành thân rồng, mềm mại uốn khúc vươn mình lên trong một vòm hoa lá tốt tươi, nhìn vào như vừa thấy hai con rồng đang ẩn mình trong cành lá xum xuê, lại như thấy hai cây mai cảnh đang nở hoa, xòe lá đung đưa trong gió nhẹ mùa xuân. Hai bộ cửa võng của gian cạnh được chạm trổ theo đề tài “song trúc hóa rồng” thân trúc được chạm mềm mại, thanh thoát tự nhiên nhìn vào cũng vừa như thấy hai con rồng đang thảnh thơi chơi, lại như thấy hai cây trúc cành lá la đà, đung đưa trong gió nhẹ.
Tòa Trung tế treo 04 câu đối, trong đó 01 câu được treo trên cột cái tiền gian trung tâm, các câu đối còn lại được treo ở trên các cột cái hậu. Các câu đối đều được làm theo kiểu lòng máng, lòng sơn son, chữ chạm nổi, thếp vàng.
Bài trí trong tòa Trung tế.
Tòa Trung tế là nơi thờ phụng ba vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông.
Ban thờ vua Trần Thái Tông đặt ở gian trung tâm tòa Trung tế, phía trên treo một bộ Ô sa lộng lẫy (đã khảo tả ở trên). Ban thờ được ghép bởi hai bàn thờ đặt sát vào nhau. Bàn thờ phía trong có kích thước 2.1 x 2.1 mét, cao 0.9 mét, trên bàn thờ đặt một khám lớn bằng đồng, trong khám có tượng vua Trần Thái Tông mặc áo hoàng bào ngồi trên ngai vàng, cạnh bàn thờ đặt hai lọ lộc bình lớn. Ban thờ phía ngoài có kích thước 2.8 x 2.4 mét, cao 1.08 mét. Bàn thờ được làm theo kiểu chân quỳ, thành bàn chạm khắc hoa văn hoa lá hóa rồng, sơn son thếp vàng rực rỡ. Trên bàn thờ đặt một cỗ ngai, một bát hương đồng và một bộ tam sự đồng; cạnh bàn thờ cũng đặt hai lọ lộc bình lớn.
Ban thờ vua Trần Thánh Tông được đặt ở gian hồi phía Tây tòa Trung tế. Trên ban thờ treo bức hoành phi “Thiên long hiển thụy”. Bàn thờ vua Trần Thánh Tông có kích thước 2.56 x 1.57, cao 0.92 mét, được sơn son thếp vàng chạm khắc theo đề tài tứ linh, tứ quý hóa rồng. Trên bàn thờ đặt tượng vua Trần Thánh Tông ngồi trên ngai vàng, phía trước có một ngai thờ, bát hương và nhiều đồ thờ tự khác.
Ban thờ vua Trần Nhân Tông được đặt ở gian hồi phía Đông tòa Trung tế. Trên ban thờ treo bức hoành phi “Nhân từ quảng đại”. Bàn thờ vua Trần Nhân Tông có kích thước 2.56 x 1.57, cao 0.92 mét, được sơn son thếp vàng chạm khắc theo đề tài tứ linh, tứ quý hóa rồng. Trên bàn thờ đặt tượng vua Trần Nhân Tông ngồi trên ngai vàng, phía trước có một ngai thờ, bát hương và nhiều đồ thờ tự khác phục vụ cho việc thờ cúng (giống bàn thờ vua Trần Thánh Tông ở gian hồi phía tây).
* Tòa Hậu cung
Hậu cung đền Vua gồm 02 gian, ăn thẳng với 03 gian trung tâm tòa Trung tế để tạo thành kiến trúc chữ đinh. Hậu cung được ngăn cách với tòa Trung tế băng bằng ba bộ cửa có ngưỡng, bạo và cánh cửa đều làm bằng gỗ. Hai bộ cửa gian cạnh lắp cánh cửa khay, chân quay, có hai cánh sơn son, vẽ văn mây màu vàng. Bộ cửa gian giữa đóng cửa loại cửa bốn cánh chân quay “thượng song hạ bản” bản cửa và thành cửa sơn son, các con song thì thếp vàng. Bộ cánh cửa gian giữa Hậu cung lúc nào cũng được đóng kín cài then, việc ra vào hương đăng chỉ được thực hiện ở hai cửa nhỏ bên cạnh.
Nội thất tòa Hậu cung có 4 hàng chân cột gồm 02 hàng 06 cột cái và 02 hàng 06 cột quân, liên kết giằng giữ theo chiều dọc là hệ thống xà dọc thượng, xà dọc hạ, liên kết giằng giữ theo chiều ngang và đỡ mái là 03 bộ vì được làm theo kiểu ván mê. Hệ thống cột và xà dọc Hậu cung đều có thiết diện vuông. Trên cột cái và trên các ván mê được chạm nổi hoa văn thực vật rồi sơn đen, nổi bật trên nền sơn màu nâu đỏ. Đây là loại hình hoa văn trang trí và màu sơn thường gặp vào cuối thời Nguyễn.
Trang trí trên tòa Hậu cung.
Tòa Hậu cung treo 04 bộ cửa võng. Trong đó có 03 bộ treo ở vị trí trên bạo ba bộ cửa ngăn cách giữa Hậu cung và tòa Trung tế, cả ba bộ đều được chạm khắc theo đề tài “lưỡng long chầu nhật” và được thếp vàng rực rỡ.
Bộ cửa võng thứ 4 treo tại gian trung tâm Hậu cung. Bộ cửa này chính giữa chạm hổ phù đội mặt trời, hai bên chạm hai con rồng đang chầu về phía mặt trời. Phía trên cửa võng treo một bức hoành phi được trang trí rất cầu kỳ, diềm phía ngoài trang trí hồng, nho, mai, cúc. Khung chia ô chạm xen kẽ hoa dây và hoa văn chữ vạn cách điệu, lòng sơn đỏ, chạm nổi 4 chữ Hán “Thánh cung vạn tuế”.
Bài trí trong Hậu cung
Trong tòa Hậu gian chính giữa đặt một ban thờ lớn, trên bàn thờ đặt một cỗ khám 05 gian, trong khám đặt ngai thờ các cụ Trần Hấp, Trần Kinh, Trần Lý. Phía ngoài đặt ngai, tượng và bát hương thờ thượng hoàng Trần Thừa. Phía bên đông Hậu cung đặt một bàn thờ, trên bàn thờ có khám, tượng và bát hương thờ Trần Thủ Độ. Phía bên tây Hậu cung cũng đặt một bàn thờ, trên bàn thờ có khám, tượng và bát hương thờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung.
Việc bố trí thờ tự Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung bên cạnh ba vị tổ nhà Trần và Thượng hoàng Trần Thừa trong Hậu cung đền Vua cho thấy người Thái Bình đánh giá rất cao vai trò của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung trong việc mở nghiệp nhà Trần.
* Giải vũ
Giải vũ đền vua có hai tòa nằm ở vị trí giữa tòa Tiền tế và tòa Trung tế. Hai tòa được xây ở vị trí đối diện nhau và được ngăn cách với nhau bởi sân sau đền vua (đã khảo tả ở trên), trước cửa giải vũ đặt một hàng các cây đèn được làm bằng đá, phía trong lồng đèn có lắp bóng, luồn dây điện để thắp sáng khi cần.
Hai tòa giải vũ đều có 05 gian, được xây theo kiểu mái chảy, hồi đắp đấu, nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, góc hiên xây hai trụ biểu, trên đắp lồng đèn và phượng dành. Phía trước hai tòa giải vũ không xây tường, hai gian cạnh thưng gỗ, chính giữa trổ cửa sổ lắp song con tiện. Ba gian giữa chỉ lắp ngưỡng, bạo không có cửa. Nội thất hai tòa giải vũ có 02 hàng chân cột, phía trên có 06 vì kèo được làm theo kiểu “giá chiêng, kẻ bẩy” chỉ chạm khắc nhẹ hoa văn dây lá trên các thanh bảy và nghé đỡ. Trong hai tòa giải vũ đặt nhiều tủ đựng sách giới thiệu về đền Trần và vùng đất Long Hưng – Hưng Hà, treo nhiều ảnh chụp giới thiệu lễ hội đền dưới nhiều góc độ lại có bàn ghế để khách về hành hương vừa có thể nghỉ ngơi, sắp lễ vừa có thể xem ảnh, đọc sách để tìm hiểu về ngôi đền thờ các vua Trần, vùng đất phát tích, hưng nghiệp và xây dựng tôn miếu lăng tẩm của nhà Trần.