Hướng về lễ hội truyền thống

Những ngày này, người dân xã Tiến Đức (Hưng Hà) tất bật hoàn thiện các công việc chuẩn bị cuối cùng cho lễ hội đền Trần – lễ hội truyền thống của quê hương diễn ra từ ngày 13 – 17 tháng Giêng năm Giáp Thìn. Nhiều thập niên qua, từ khi di tích đền Trần được tôn tạo, lễ hội truyền thống này luôn được duy trì, phát triển nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của vương triều Trần. Đây cũng là dịp để nhân dân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc liệt tổ, các vị vua, tướng sĩ, hoàng thân quốc thích nhà Trần, giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

 

 

Người dân xã Tiến Đức (Hưng Hà) tham gia lễ rước nước tại lễ hội đền Trần.

Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, lễ hội đền Trần Thái Bình đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/1/2014. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp, các ngành đối với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đối với lễ hội đền Trần trong nhiều năm qua. Đồng thời, là nguồn động viên, cổ vũ nhân dân Thái Bình tiếp tục lưu giữ và trao truyền hào khí Đông A, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.

Năm 2024, lễ hội đền Trần tiếp tục được tổ chức quy mô cấp tỉnh, khai hội vào ngày 13 tháng Giêng. Lễ hội bao gồm phần lễ được cử hành trang trọng, uy nghi và tôn kính như lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước thiêng từ ngã 3 sông Hồng về đền Trần, lễ tế mộ, đặc biệt có lễ bái yết được tổ chức nhằm khôi phục nghi lễ xưa các vua Trần thường làm lễ bái yết tổ tiên mỗi khi có sự kiện trọng đại… Bên cạnh đó, trong suốt 5 ngày diễn ra lễ hội, các hoạt động phần hội được tổ chức sôi nổi với những trò chơi mang đậm tính dân gian như thi cỗ cá, thi nấu cơm cần, thi vật cầu, kéo co, pháo đất, cờ tướng…

Hơn 10 năm nay, ông Phan Văn Khang nay đã ở tuổi gần 70 là một trong những người dân thôn Tam Đường, xã Tiến Đức luôn góp mặt trong hội thi cỗ cá tại lễ hội đền Trần. Ngay từ trước tết Nguyên đán, ông cùng các thành viên trong đội thi của thôn mình đã dành nhiều thời gian đi ngắm, chọn cá và đặt trước. Đa phần cá trắm, cá chép, cá trôi đều phải có tiêu chuẩn từ 5kg trở lên. Tại lễ hội đền Trần năm 2023, đội thi của thôn Tam Đường đã giành giải nhất, vậy nên khâu chuẩn bị cho hội thi năm nay càng phải cầu kỳ và chu đáo hơn. Ông Khang chia sẻ: Chúng tôi thống nhất trước việc kéo, bắt cá không được để cá quẫy mạnh ảnh hưởng đến vây, vẩy. Khâu làm cá được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn thận, làm sao cho cá không bị tróc vẩy, đẹp về hình thức. Làm cá đã công phu nhưng về khâu trang trí, trình bày cũng rất kỹ lưỡng, bao gồm các món giò, mọc, chân giò, hạt sen, nem chạo, trầu cánh phượng, hoa cắm… để mâm cỗ cá dâng lên cúng vua.

Những mâm cỗ cá công phu được người dân các thôn trong xã Tiến Đức thực hiện.

Thường ngày là những thợ cày, thợ cấy nhưng cứ đến mỗi kỳ lễ hội đền Trần người dân xã Tiến Đức lại trở thành những đầu bếp tài hoa và lành nghề, sôi nổi tham gia các cuộc thi như thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi nấu cơm cần. Ông Lê Văn Vũ, Bí thư Chi bộ thôn Tam Đường cho biết: Tự hào về quê hương là mảnh đất địa linh, có bề dày truyền thống lịch sử, cán bộ và nhân dân trong thôn luôn có trách nhiệm bảo quản, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trên mảnh đất này. Hàng năm, người dân thôn Tam Đường ở mọi lứa tuổi  cũng như người dân ở mọi ngành nghề đều tích cực tham gia, đóng góp vào thành công của lễ hội đền Trần, tạo không khí vui tươi, phấn khởi dịp đầu xuân.

Ông Lê Tuấn Phong, Trưởng thôn Tam Đường thông tin thêm: Đối với lễ hội đền Trần, mọi người đều náo nức công tác chuẩn bị để sẵn sàng đóng góp vào các hoạt động của lễ hội như trong sáng ngày 13 tháng Giêng, đội tế của thôn tham gia tế mở cửa đền, các cụ cao niên sẽ tham gia lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần. Vào buổi chiều, cán bộ và nhân dân trong thôn tham gia các đoàn rước thủy, rước bộ trong lễ rước nước và buổi tối tham gia lễ khai mạc. Trong các ngày tiếp theo của lễ hội, người dân thôn Tam Đường có các đội thi têm trầu cánh phượng, thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần… Ngay từ trước tết Nguyên đán, Chi ủy, Ban công tác mặt trận thôn, các đoàn thể đã họp để thống nhất kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từ đó mỗi người dân đều đã có sự chuẩn bị để các hoạt động phần lễ được diễn ra trang trọng theo đúng nghi lễ truyền thống, các hoạt động phần hội đạt kết quả cao.

Song song với các hoạt động diễn ra, công tác quản lý lễ hội đền Trần được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước đi vào nền nếp. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại lễ hội được chú trọng, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Lễ hội đền Trần năm 2024 được tổ chức với phương châm tiết kiệm, an toàn, văn hóa, không để xảy ra các hoạt động mang tính chất thương mại. Ban tổ chức lễ hội đã sẵn sàng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ… để niềm vui trong những ngày du xuân, tham gia lễ hội đầu năm của du khách được trọn vẹn.

Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt tại lễ hội đền Trần năm 2023. Ảnh tư liệu

Hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, lễ hội đền Trần thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình nói chung, vùng đất Long Hưng – Hưng Hà nói riêng. Với sự độc đáo riêng có, vượt qua tính chất vùng miền, lễ hội đền Trần là niềm tự hào của người dân Thái Bình trên mọi miền Tổ quốc. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để Thái Bình làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Trần cũng như các di sản thời Trần trên đất Hưng Hà.

 

 

Theo Baothaibinh.com.vn

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *