Hiện nay tại làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có :
– 03 ngôi mộ lớn dân gian gọi là Phần Đa, Phần Trung, phần Bụt, được xác định là Chiêu lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng của các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.
– 01 ngôi đền thờ Thượng hoàng Trần Thừa và 03 vị vua được chôn cất ở Chiêu lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, c
* Thượng hoàng Trần Thừa
“Trần Thừa là con trưởng của Trần Lý, là anh của Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung, Trần Tam Nương. Trần Thừa sinh ra và lớn lên ở hương Tinh Cương, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng. Những năm làm quan nhà Lý, kể cả khi đã làm Thái úy phụ chính, ông vẫn ở phủ đệ Tinh Cương. Trong ngày Trần Cảnh lên ngôi vua, khai sinh ra vương triều Trần, phải cho người về Tinh Cương đón ông. Sách “Việt sử lược” Bản dịch của Trần Quốc Vượng) chép “Ất Dậu, Kiến Gia năm thứ 15 (1225), mùa Đông, tháng chạp vua sai Nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, Nội hành khiển tả ty lang trung Trần Chí Hoành đem văn, võ bá quan sửa soạn thuyền xe về phủ Tinh Cương đón Thái Tổ ta.
Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi, Trần Thừa làm nhiếp chính cho con trai mình.
Năm 1226, Trần Thừa được tôn làm Thượng hoàng. Với vai trò là Thượng Hoàng, Trần Thừa đã làm rất nhiều việc để củng cố vương triều, xây dựng đất nước. Trọng dụng người tài, không phân biệt đối xử với các trọng thần thời trước. Cụ thể như các quan phụng ngự Phùng Tá Chu, thái úy Phạm Kính Ân không những được trở lại chức tước cũ mà còn được trọng dụng phong đến tước Đại vương hoặc mang mũ áo Đại vương. Với Quý Tịnh Hầu, cháu vua Lý Cao Tông sau cũng được phong tước vương, được ban Quốc tính.
Để thống nhất ý chí, Trần Thừa tuyên bố các điều khoản về Lễ minh thệ, cùng mọi người thề “làm tôi tận trung, làm quan trong sạch”
Để thiết lập kỷ cương, Trần Thừa cho biên soạn “Quốc triều thống chế” gồm 20 quyển để sửa đổi hình luật, lễ nghi … Việc dùng phép in ngón tay (điểm chỉ) vào các đơn từ, văn khế do ông quy định đã đi trước các nước tiên tiến nhiều thế kỷ.
Về việc đào tạo nhân tài cho đất nước năm 1227, Trần Thừa cho tổ chức thi Tam giáo. Năm 1232, lại cho mở khoa thi lựa chọn người tài cho đất nước.
Công lao lớn nhất của Trần Thừa là bồi dưỡng con trai Trần Cảnh, lên ngôi năm 8 tuổi thành một ông vua “khoan nhân đại độ, có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ, dựng cương”. Với những đóng góp cho “Mở nghiệp nhà Trần” công lao của Trần Thừa đã được lịch sử ghi nhận.
Năm 51 tuổi Thượng hoàng Trần Thừa mất; linh cữu được đưa về chôn ở Thọ Lăng.12 năm sau khi mất Trần Thừa được truy tôn là Thái Tổ”[1].
* Trần Thái Tông.
“Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh 1218 – 1277), vị vua mở đầu triều Trần, ở ngôi 32 năm, là người anh hùng cứu nước trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1258), là một triết gia và thi gia xuất sắc.
Thái Tông sinh ra tại phủ đệ Tinh Cương, 7 tuổi vào cung làm “Nội thị phán thủ” cho Lý Chiêu Hoàng”, được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, lên ngôi vua từ năm 8 tuổi (1225), 9 năm đầu, vua còn nhỏ, phải nhờ Thượng hoàng Trần Thừa làm nhiếp chính.
“Đinh Tỵ, năm thứ 7 (1257), Tướng nhà Nguyên, là Ngột Nguyên Hợp Đài xâm lấn đồng Bình Lệ. Vua tự làm tướng đốc chiến xông pha tên đạn”[2]. Lúc đó thế giặc mạnh, lòng người nao núng; Khâm thiên tướng quốc Trần Nhật Hiệu còn khuyên nên “Nhập Tống”. Sự xuất hiện của vua Trần Thái Tông nơi trận mạc đã thể hiện ý chí quyết đánh của triều đình, khích lệ tinh thần chiến đấu của quan quân, làm nên đại thắng quân Nguyên – Mông lần thứ nhất (1258).
Sau khi chiến thắng quân Nguyên, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Hoảng, lui về làm Thượng hoàng và chuyên chú vào việc nghiên cứu đạo Phật.
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Trần Thái Tông thường được người đời ví như một ngọn đuốc Thiền học. Những tư tưởng sâu rộng về Thiền học của Trần Thái Tông được thể hiện qua một số tác phẩm còn lại của ông như Bài tựa Thiền tông chỉ nam, Bài tựa sách chú giải kinh Kim Cương tam muội, Lục thì sám hối khoa nghi. Đặc biệt tác phẩm “Khóa hư lục”, đã ghi chép lại toàn bộ quá trình tu luyện đạo Phật của Trần Thái Tông theo tinh thần kiên trì học tập nhưng không cố chấp để bị trói buộc bởi những giáo điều, nhằm đặt tới sự chứng ngộ hoàn toàn tự do “Phật cũng không mà tổ cũng không, không cần trì giới, không cần niệm kinh …” Đó cũng chính là tinh thần thực tiễn, phá chấp, khai phóng, táo bạo của Phật giáo thiền tông thời Trần sau này”[3].
Năm 1277, Thái Tông băng ở cung Vạn Thọ, chôn ở Chiêu Lăng.
* Trần Thánh Tông .
Trần Thánh Tông (1240 – 1291), là vị vua thứ 2 của triều Trần, ở ngôi 20 năm, vua húy là Hoảng, con trưởng của vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên. Năm 1258, cùng vua cha và các tướng lính phản công đánh đuổi quân Nguyên – Mông, khôi phục kinh thành Thăng Long, lên ngôi năm 19 tuổi.
Thánh Tông là ông vua nhân từ, biệt đãi anh em và người trong họ, chăm lo săn sóc đến việc huấn luyện văn võ cho con cháu người trong hoàng tộc nên các vương hầu ai cũng hòa mục, kính sợ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép : Nhà Trần đối xử với tộc thuộc hòa vui, không hiềm nghi gì, trong đạo vua tôi ở với nhau như người trong nhà. Khi vô sự thì thơ từ xướng họa, vui vẻ hết đường. Khi hữu sự thì đồng lòng góp sức, thân hơn chân tay.
Trong thời gian Thánh Tông làm vua, binh quyền trong nước vẫn theo chế độ cũ. Việc học được mở mang, Thánh Tông thường kén chọn học trò, lấy những người có tài năng văn học, bổ vào giữ việc tại các quán, sảnh, viện và mở các kỳ thi chọn lại viên làm chức tu nghiệp nhà học Quốc tử giám hoặc vào cung giảng sách cho vua.
Dưới thời vua Thánh Tông các vương hầu, công chúa, phò mã và cung tần đều được phép chiêu mộ những người phiêu tán, nghèo đói làm nô tỳ để khai khẩn đất bỏ hoang để lập thành trang hộ. Vương hầu có điền trang bắt đầu từ đấy.
Thời bấy giờ đất nước Thái Bình, các tù trưởng địa phương đều thuần phục duy chỉ có động Nẫm Ba Na châu Bố Chính (nay thuộc Quảng Bình) không chịu phục tùng triều đình. Để dẹp bọn phản loạn Thái Tông đã tự làm tướng thân chinh đi đánh. Sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư chép :
“Đinh Sửu, năm thứ 5 (1277), mùa xuân, tháng 2, vua thân đi đánh người Man Lão ở động Nẫm Ba Na, bắt sống được người họ hơn 1000 người đem về”[4].
Thời Thánh Tông, bên Trung Quốc, nhà Nguyên đánh bại nhà Tống, thành lập một đế quốc rộng lớn, nước ta là nước nhỏ, Thánh Tông phải nhận thụ phong là An Nam quốc vương. Nhà Nguyên thường sai sứ sang sách nhiễu. Thánh Tông luôn khôn khéo, mềm mỏng để trì hoãn chiến tranh để lo phòng bị, chỉnh đốn quân đội, huấn luyện binh sĩ, lại bắt các hoàng thân luyện tập võ nghệ tinh thông, thu dụng người tài giỏi trong nước cho cai quản lính tráng, rèn đúc vũ khí, đóng chiến thuyền, xe vận tải … xây dựng lực lượng vũ trang toàn dân. Sách “Việt sử tiêu án” chép : “Nhà Nguyên hùng cường, gian ác, muốn nuốt nước ta, tìm nhiều cách sang trách nước ta, gây nên nỗi dụng binh. Thánh Tông tự giữ nghiêm, không chịu khuất phục”
Năm 1278, Thánh Tông truyền ngôi cho con, lui về làm Thượng hoàng, 13 năm sau thì mất, an táng tại Dụ Lăng.
* Trần Nhân Tông .
Trần Nhân Tông (1258 – 1308), tên thật là Trần Khâm là vị vua thứ ba của nhà Trần, trị vì 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Trần Nhân Tông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và thứ 3. Trần Nhân Tông là vị hoàng đế nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất của Việt Nam.
Trong thời gian Trần Nhân Tông làm vua, đất nước Đại Việt đứng trước thử thách ghê gớm : Hiểm họa xâm lược của quân Nguyên Mông, nhân dân Đại Việt đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285), lần thứ 3 (1288). Trong hai lần kháng chiến này Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ tiêu biểu “cố kết nhân tâm” lãnh đạo quân dân vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ đưa cuộc chiến đấu cứu nước đi đến thắng lợi huy hoàng.
Giặc tan, Thánh Tông nhường ngôi, làm Thượng hoàng 5 năm sau đi tu và trở thành sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm. “Tháng 3 năm 1308, phật hoàng Trần Nhân Tông băng ở Am Ngọa Vân, Pháp Vân vâng theo di chúc của Ngài đem ngọc hài hỏa táng, lấy được hơn ba nghìn hạt xá lỵ. Vua Anh Tông đem một phần xá lỵ trấn ở tháp vàng trên núi Yên Tử, phần lớn đem về táng ở Đức Lăng.
Như vậy, trên bát ngát đỉnh cao Yên Tử nơi “Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại, Tiếu đàm nhân tại bích vân trung” có một phần xương thịt của Nhân tông. Còn phần lớn thi thể ông đã về yên nghỉ ở Đức Lăng.
[1] Nhà Trần và con người nhà Trần, Sở VHTTDL Thái Bình, xuất bản năm 2010, trang 481- 483.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 283, 284
[3] Nhà Trần và con người nhà Trần, Sở VHTTDL Thái Bình, xuất bản năm 2010, trang 510, 511.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 295