Năm 2024, lễ hội đền Trần tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) tiếp tục được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Đa dạng hoạt động sẽ diễn ra trong những ngày lễ hội hứa hẹn là điểm đến của du khách gần xa mong muốn được dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua triều Trần, đồng thời hòa mình vào không khí lễ hội sôi nổi, hướng tới một năm mới nhiều may mắn.
Theo thông lệ hàng năm, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 – 17 tháng Giêng với nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian độc đáo. Trong đó, vào ngày 13 tháng Giêng sẽ diễn ra hoạt động phần lễ bao gồm các nghi lễ truyền thống như tế mở cửa đền, lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần, lễ rước nước; buổi tối là chương trình khai mạc lễ hội và lễ bái yết. Đối với phần hội, sẽ có nhiều hoạt động diễn ra trong suốt các ngày lễ hội, ngoài duy trì các hoạt động như năm 2023 gồm: tổ chức triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi cỗ cá, thi kéo lửa nấu cơm cần, kéo co… còn có một số hoạt động khác như: liên hoan hát văn, hội thi viết thư pháp, thi têm trầu cánh phượng, giải vật cầu, cờ tướng, giao lưu các CLB chèo và triển khai gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP.
Đến thời điểm này, huyện Hưng Hà đã hoàn thiện xây dựng kịch bản chi tiết chương trình khai mạc lễ hội đền Trần và các chương trình nghệ thuật; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức nghi lễ truyền thống, các hoạt động phần hội… Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng tu sửa một số hạng mục công trình tại di tích; lắp mới hệ thống camera giám sát; xây dựng mới hệ thống ki-ốt dịch vụ bán hàng; thực hiện vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; trang trí khánh tiết, treo băng rôn, khẩu hiệu; xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông…
Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng, thành viên Ban Quản lý di tích đền Trần, thành viên tiểu ban nội dung lễ hội đền Trần năm 2024 chia sẻ: Lễ hội đền Trần luôn chú trọng bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn những nghi lễ truyền thống. Năm nay, lễ rước nước thu hút gần 80 đoàn ở trong và ngoài tỉnh với hơn 2.000 người tham gia, ngoài ra còn có các du khách, tín đồ Phật tử thập phương về tham dự. Nghi lễ này đã được thực hiện từ hàng trăm năm qua, có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ lại thuở xa xưa nhà Trần trước khi có được giang sơn xã tắc vốn làm nghề chài lưới nên năm nào lễ hội cũng được chú trọng tổ chức công phu. Trong các hoạt động phần hội, lần đầu tiên tại lễ hội đền Trần sẽ diễn ra liên hoan hát văn vào tối ngày 15 tháng Giêng ở sân tòa trung tế đền Vua, thu hút sự tham gia của Hội Thanh đồng đạo quan các huyện trong tỉnh. Chương trình bao gồm các giá đồng trong hệ thống thờ nhà Trần và hệ thống thờ Tứ phủ như giá Đức Thánh Trần, giá chầu Bát Tiên La, giá các Quan Hoàng… nhằm góp phần giữ gìn, phát triển và lan tỏa nghệ thuật chầu văn.
Là hoạt động phần hội tại lễ hội đền Trần năm 2024, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng, mừng xuân sẽ được trưng bày tại sân đền Thánh từ ngày 13 – 17 tháng Giêng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, ban tổ chức đã lựa chọn được gần 80 tác phẩm nghệ thuật của các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh và Mỹ thuật tham gia triển lãm. Các tác phẩm là thành quả từ những chuyến thực tế sáng tác của các nghệ sĩ tại khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, xoay quanh các lễ hội truyền thống, nhịp sống thường ngày, vẻ đẹp đất và người trước mùa xuân sang, ngoài ra còn có những tác phẩm hội họa hình tượng rồng chào năm Giáp Thìn 2024 sẽ góp phần tạo nên niềm vui, khí thế mới cho mỗi người khi được thưởng thức nghệ thuật trong không gian lễ hội truyền thống. Toàn bộ các tác phẩm tham gia triển lãm sẽ được hoàn thiện khâu trưng bày từ ngày 12 tháng Giêng để phục vụ nhân dân trong suốt các ngày lễ hội diễn ra.
Lễ hội đền Trần được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, gắn với tôn vinh di sản lễ hội đền Trần – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần trên quê hương Thái Bình; thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, lễ hội còn góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thái Bình.
Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) là điểm đến của du khách trong mỗi dịp đầu năm mới.
Tú Anh
(theo Báo Thái Bình)