Khảo tả di tích Lăng mộ các vua Trần

Lăng mộ các vua Trần hiện nay đang nằm trên khu đất có tổng diện tích 38.221 m2. Bước qua cổng chính (cổng hướng Nam) của khu tích, nhìn sang hướng Tây sẽ thấy hai ngôi mộ là phần Đa và phần Trung.; nhìn về hướng Đông sẽ thấy phần Bụt (phần Sỏi). Nếu tính từ Tây sang Đông các ngôi mộ sẽ được xếp lần lượt là Phần Đa, phần Trung, phần Bụt. Phần Đa nằm trên thửa đất M1, diện tích 11254 m2, Phần Trung nằm trên thửa đất M2, diện tích 15562 m2, Phần Bụt nằm trên thửa đất M3, diện tích 11395 m2.

Cả ba Phần mộ đều đã được tôn tạo vào năm 2004 [1], to như những ngọn đồi, xung quang mộ được xây tường kè chắn đất, phần gạch kè này được xây theo đường tròn đồng tâm mộ với đường kính 65 mét, chiều cao 1,2 mét so với sân tế. Phần mộ ở giữa có đường kính là 55 mét, chiều cao từ đỉnh mộ đến sân tế là 7 mét, chính giữa mộ đặt một chữ trần (陳) trong một khung sắt hình chữ nhật, xung quang mộ đặt các hàng cột, trên gắn bóng điện màu. Vào hội đêm đêm hệ thống đèn này được thắp sáng, hắt lên phía trên làm ngời sáng các chữ Đông A ở giữa các ngôi mộ.

Sân tế nằm ở phía Bắc của các ngôi mộ, có kích thước là 15 x 15 mét. Trên các sân tế đều đặt 01 bệ đá + 01 sập đá. Sập đá đặt ở phía trước, được làm theo kiểu chân quỳ, mặt sập mài nhẵn, thành chạm hổ phù. Kích thước các sập đá 2.1 x 2.1 mét, cao 0.6 mét. Bệ đá đặt ở phía sau có độ cao tương đương với sập đá ở phía trước, trên bệ đặt  02 tấm bia, 01 bát hương.

Bát hương làm bằng đá, bên cạnh có tay vươn cao, chạm nổi văn mây, thành bát hương chạm liên tiếp văn triện, thân bát hương chạm nổi một bông sen.

Hai tấm bia được đặt cân xứng ở phía sau bát hương. Tấm bia thứ nhất đặt ở bên trái được làm bằng đá, cao 1.4 mét, rộng 0.75 mét, dày 0.21 mét, đặt trên một bệ đá cao 0.33 mét, thân bệ chạm một dải hoa cúc. Mặt trước tấm bia ốp đồng; phần trán bia tạo dáng lá đề, diềm lá thúc nổi cánh sen, chính giữa thúc nổi hai con rồng, mô phỏng theo kiểu rồng thời Trần, đế bia tạo dáng hoa sen; thân bia phía ngoài đúc nổi hai con rồng, phía trong thúc nổi các chữ ghi tên chủ nhân ngôi mộ.

Tấm bia thứ hai đặt ở phía bên phải, làm hoàn toàn bằng đá, kích thước cao 1.75 mét, rộng 0.75 mét, dày 0.13 mét. Bia được đặt trên một con rùa đá (rùa cao 0.33 mét, dài 1.4 mét, rộng 1.15 mét). Trán bia cũng tạo dáng hình lá đề và chạm nổi hai con rồng, giống với tấm bia ốp đồng bên cạnh. Trên bia chạm chìm các dòng chữ quốc ngữ ghi tiểu sử của chủ nhân các ngôi mộ.

  • Phần Đa.

* Tấm bia ốp đồng thúc nổi dòng chữ như sau :

Chiêu Lăng, phần mộ vuaTrần Thái Tông (1217 – 1277). Phần Đa

* Tấm bia đá bên cạnh khắc 28 dòng chữ, có nội dung như sau:  Chiêu lăng. Phần mộ của Thái Tông hoàng đế – phần Đa

Chiêu lăng là nơi an nghỉ của vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần, ở thế kỷ XIII của nước Đại Việt.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết : “Tháng 12, ngày 11 năm Ất Dậu (1225), Chiêu Hoàng đặt Đại hội ở điện Thuận An, ngự trên bảo sàng, các quan mặc triều phục vào chào lạy ở dưới sân rồng. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, khuyên bảo Trần Cảnh lên ngôi Hoàng Đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá cho thiên hạ, xưng là Thiên Hoàng; rồi lại đổi là Văn Hoàng. Các quan dâng tôn hiệu là “Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiến Hoàng Đế (SĐD-TR432).

“Vua họ Trần, húy là Cảnh, ở ngôi 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi, băng hà ở cung Vạn Thọ, mùa hạ, ngày 4 tháng 1 năm Đinh Sửu (1277). Vua là người khoan nhân đại lộ, có lượng đế vương, cho nên có thể mở nghiệp, truyền sau, đặt rường giăng mối, chế độ nhà Trần tốt đẹp” (ĐVSKTT – Tr 434).

“Mùa Đông, tháng 10, ngày mùng 4 (năm Đinh Sửu 1277), chôn ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái Tôn, thụy là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiển Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Võ Nguyên Hiếu Hoàng Đế” (ĐVSKTT – tr 489).

  • Phần Trung.

* Tấm bia ốp đồng thúc nổi các dòng chữ như sau :

“Dụ lăng, phần mộ vua Trần Thánh Tông (1240 – 1290) . Phần Trung”

* Tấm bia đá bên cạnh, khắc chìm 31 dòng chữ có nội dung như sau : Dụ Lăng. Phần mộ vua Trần Thánh Tông.

Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của vua Trần Thánh Tông – một vị vua anh minh, võ công hiển hách, tài năng thao lược, trọng người hiền tài, say mê Phật pháp, giỏi việc trị nước, yên dân, ba lần đánh bại giặc Nguyên Mông, ở cương vị Thái tử (1258) và sau khi lên ngôi vua (1259).

Đại Việt sử ký toàn thư viết “Vua húy là Hoảng, mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Thái Hậu Lý Thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy trời cho thanh gươm báu, rồi Hậu có mang. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 (1240) tháng 9 ngày 20 giờ ngọ sinh ra rồi lập Hoàng thái tử. Thái Tôn nhường ngôi, bèn lên ngôi báu, ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 13 năm, thọ 51 tuổi; băng ở cung Nhân Thọ, (tháng 5 ngày 25 năm Canh Dần 1290). Vua là người trung hiếu, nhân thứ, tôn người hiền, trọng kẻ sĩ; cha làm trước; cơ nghiệp nhà Trần được bền vững (SĐD- Tr 473).

Mùa Đông, tháng 12, chôn (Thượng hoàng) ở Dụ Lăng, miếu hiệu là Thánh Tôn. Truy tôn là Hiển Công Thinh Đức Nhân Minh Văn Võ Tuyên Hiếu Hoàng đế (SĐD – Tr 531).

Sử gia Ngô Sĩ Liên “ Thánh Tôn nối nghiệp của Thái Tôn, giữa chừng gặp cướp biển loạn, ủy nhiệm các tướng thần, cùng với Nhân Tôn góp sức làm nên việc khiến thiên hạ đã tan mà lại hợp, xã tắc đã nguy mà lại yên, suốt đời Trần không có sự xâm lấn của giặc Hồ nữa, công ấy to lắm” (ĐVSKTT – Tr 531).

  • Tại phần Bụt (phần Sỏi)

* Tấm bia ốp đồng thúc nổi dòng chữ như sau :

Đức Lăng (lăng Quy Đức) Phần mộ vua Trần Nhân Tông (1258-1308). Phần Bụt.

* Tấm Bia đá bên cạnh khắc chìm 40 dòng chữ, có nội dung như sau : Đức Lăng (lăng Quy Đức) lăng mộ vua Trần Nhân Tông (Phần Bụt).

Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Điều Ngự Giác Hoàng (Phật hoàng Trần Nhân Tông). Một vị vua anh hùng, văn võ toàn tài, thông minh lỗi lạc, tinh thông Phật pháp và là vị tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Sách Đại VIệt sử ký toàn thư viết : “vua húy là Khâm, con trưởng của Thánh tôn, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm 8, tháng 11, ngày 11 (1258), được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên Đồng Tử, ở hai bên tả hữu có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần (SĐD 493).

Ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân 1308 Thượng hoàng băng hà ở Am Ngọa Vân, núi Yên Tử … Pháp Loa đem xác của Thượng hoàng thiêu đi nhặt được hơn 3.000 viên xá lỵ mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư … (SĐD – Tr 671).

Canh Tuất, năm thứ 18 (1310), (Nguyên Chí Đại năm thứ 3), mùa thu tháng 9 ngày 16 rước linh cữu của Thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, miếu hiệu là Nhân Tôn, thụy là : Pháp Thiên sùng đạo ứng thế hóa dân long từ hiển huệ thánh văn thần võ nguyên minh duệ hiếu hoàng đế. (ĐVSKTT – Tr 575).

Sách Tam tổ trúc lâm viết : “Sau khi Điều Ngự Giác Hoàng mất, Pháp Loa vâng theo lời di chúc của Người làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có 5 màu để vào bình. Vua Anh Tôn cùng đình thần đem long giá, rước ngọc cốt về tôn thờ ở Đức Lăng (lăng Quy Đức) và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, đề hiệu là Huệ Quang kim tháp” (SĐD – Tr 17).

Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn : “Nhân Tôn trên thờ Từ Cung tỏ rõ được đạo hiếu, dưới dùng người hiền, lập nên vũ công, nếu không phải là bậc nhân minh, anh vũ thì sao được như thế … (ĐVSKTT – Tr 571).

Nội dung khắc trên các tấm bia đặt ở Phần Đa, Phần Trung, Phần Bụt do Ban Quản lý di tích Lăng mộ và đền thờ các Vua Trần soạn, UBND huyện Hưng Hà phê duyệt đã xác định tên gọi và chủ nhân của các nấm phần ở thôn Tam Đường:  Phần Đa – Chiêu Lăng, phần mộ vua Trần Thái Tông; Phần Trung – Dụ lăng, phần mộ vua Trần Thánh Tông và Phần Bụt – Đức Lăng (lăng Quy Đức) Phần mộ vua Trần Nhân Tông.


[1] Phần Trung và phần Đa được tôn tạo bằng đất tự nhiên đầm chặt. Phần Bụt phía trong được tôn đắp bằng đất tự nhiên, phần trên mặt mộ có độ dày 1.0 mét tôn đắp mới bằng đất thịt trộn sỏi nhỏ.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *