Đền Thánh

Đền Thánh thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn[1], phu nhân Nguyên Từ Quốc mẫu[2] và hai con gái là Quyên Thanh quận chúa và Đại Hoàng công chúa.

Đền được xây dựng năm 2005 trên thửa đất DTH2, diện tích 6.011 m2, cũng như đền Vua, đền Thánh cũng được ngăn cách với với sân tế bởi con đường nhựa chạy dọc làng. Đứng từ ngoài đường nhìn vào đền Thánh có những công trình kiến trúc như sau: Cổng đền, sân tế, lầu chiêng, lầu trống, tòa Tiền tế, tòa Phương đình, tòa Trung tế, tòa Hậu cung và tòa giải vũ. Trên mặt bằng chữ nhật, các công trình thờ cúng của đền Thánh được bố trí theo kiểu tiền chữ nhị (tiền tế + phương đình), hậu chữ đinh (trung tế + hậu cung).

* Cổng đền Thánh

Đền thánh là một không gian mở, cổng đền thánh chỉ mang tính chất tượng trưng, không có vai trò đóng mở, bảo vệ như những chiếc cổng thông thường khác. Cổng đền thực chất là 04 trụ biểu, hai trụ chính, hai trụ phụ, chia đường vào đền thành 03 lối, lối chính giữa rộng 3.3 mét, hai lối cạnh rộng 2.0 mét.

* Sân tế

Sân tế đền Thánh dài 36 mét, rộng 20.5 mét, sân được lát gạch vuông màu đỏ, trên sân phía bên tả có lầu chiêng, phía bên hữu có lầu trống, lại có hai cổng nhỏ nằm sát hai bên cạnh tòa Tiền tế, mở lối đi vào phía sau đền. Xung quanh sân được quy hoạch trồng rất nhiều cây lấy bóng mát, bốn góc sân cũng xây bồn, trồng cây, tạo cảnh quan cho ngôi đền.

* Lầu chiêng, lầu trống

Được thiết kế giống nhau, kích thước vuông, 4.2 x 4.2 mét, mái cong đao guột, bờ nóc và bờ cong trang trí văn triện và lá lật, phía trong có hai vì chồng rường được khóa giữ bằng hai xà dọc, đỡ mái là hệ thống hoành rui làm hoàn toàn bằng gỗ. Trong lầu chiêng đặt một giá để treo chiêng khi vào hội. Trong lầu trống đặt giá và treo thường trực tại đây một trống cái.

* Tòa Tiền tế

Tòa Tiền tế đền Thánh có 05 gian, xây kiểu mái cong đao guột, bờ nóc góc đắp hai dải hoa văn lá lật, chính giữa đắp mặt nhật. Tòa Tiền tế cao hơn sân khoảng 0.6 mét, từ sân bước lên tòa Tiền tế phải bước qua thềm rồng, thềm rồng có ba bậc tam cấp ghép bằng đá tảng, kéo dài suốt ba gian giữa tòa Tiền tế và được giới hạn ở hai đầu bởi hai bệ đá chạm rồng.

Phía trước tòa Tiền tế không xây tường, ba gian giữa lắp bạo cửa, ngưỡng đơn và ba bộ cánh cửa, kiểu cửa chân quay, bốn cánh, thượng song hạ bản. Hai gian hồi thưng bằng gỗ, giữa để cửa sổ lắp song con tiện. Phía sau tòa Tiền tế hai gian hồi được xây tường, ba gian giữa để trống, không xây tường, cũng không có khung bạo hay cánh cửa. Bộ khung chịu lực tòa Tiền tế có 04 hàng chân cột gồm 12 cột cái và 12 cột quân. Liên kết giằng giữ theo chiều dọc là hai hàng xà dọc thượng và hạ, liên kết giằng giữ theo chiều ngang là 06 bộ vì được làm theo kiểu thượng giá chiêng, hạ chồng rường, trên các thanh rường và giá chiêng đều chạm khắc hoa văn lá lật, phần giữa các lá xoắn lại, xòe đều thành những bông hoa. Trên hệ thống mái tòa Tiền tế đền Thánh có 19 thanh hoành dọc, chỉ 05 thanh ở các vị trí đỡ nóc (thượng lương), và vị trí trên các cột cái, trên các cột quân được làm theo thiết diện vuông, các thanh hoành còn lại được làm theo thiết diện tròn và có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các thanh hoành vuông.

Trong tòa Tiền tế đền thánh chỉ có một ban thờ đặt tại gian trung tâm, trên ban thờ có ngai, bát hương và bản chúc văn, cạnh đó đặt một long đình. Hai gian hồi tòa Tiền tế đặt hai chiếc kiệu Bát cống và cờ quạt, phục vụ cho lễ hội, các gian còn lại đều để không, tạo thành một không gian rất thoáng đãng.

* Tòa Phương đình

Tòa Phương đình nằm cách tòa Tiền tế 4.2 mét. Gọi là phương đình vì công trình kiến trúc này có mặt bằng vuông, kích thước 7.5 x 7.5 mét, xây kiểu chồng diêm, hai tầng 8 mái, mái cong đao guột, nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, phần cổ diêm đóng khung tranh, lắp con song. Hệ thống bảy hiên chạm khắc văn triện và hoa văn lá lật. Bộ khung chịu lực có 4 hàng cột gồm 4 cột cái và 12 cột quân, phía trên có 02 bộ vì làm kiểu giá chiêng, chạm khắc hoa văn lá lật giống như ở tòa Tiền tế; liên kết dọc tại tòa Phương đình có xà dọc thượng, trung, hạ, liên kết ngang có vì nóc, và xà trung, xà hạ, tạo thành một thể khối vững chắc.

Tòa phương đình chỉ cao hơn nền sân khoảng 0.4 mét. Từ sân bước lên hiên chỉ có bậc nhị cấp, bậc nhị cấp được bố trí đều ở 4 mặt phương đình, ở các hướng đông, tây, nam, bắc các bậc này đều được giới hạn bởi các bệ rồng. Do số bậc thang ít, các bệ rồng ngắn nên rồng không được tạc trong tư thế uốn khúc mà được tạc trong tư thế gập người làm bệ.

Trong tòa Phương đình cũng đặt một bàn thờ bằng gỗ, chạm khắc rồng, văn triện, và hoa văn tứ quý theo các đề tài truyền thống. Trên bàn thờ đặt ngai, bát hương, cây đèn; cạnh bàn thờ đặt hai hàng bát biểu và hai lọ lục bình lớn.


* Tòa Trung tế

Tòa Trung tế đền Thánh được ngăn cách với tòa Phương đình bằng một khoảng sân rộng 3.3 mét, trên sân có đặt một lư hương đá. Tòa Trung tế có 5 gian xây kiểu mái cong đao guột, đầu đao đắp rồng chầu phượng mớm, khúc gấp bờ cong đắp nghê thần, bờ nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ. Tòa Trung tế cao hơn nền sân khoảng 0.6 mét. Từ sân phải bước qua ba bậc tam cấp ghép bằng các tấm đá xanh để bước lên hiên. Cũng như các tòa thờ tự khác trong đền Thánh, bậc tam cấp tòa Trung tế kéo dài suốt 3 gian giữa của công trình và cũng được giới hạn hai đầu bởi hai bệ đá chạm rồng.

Phía trước tòa Trung tế có 06 bẩy hiên được chạm trổ hoa văn lá lật. Hai gian phía hồi xây tường, trổ cửa sổ tròn; ba gian giữa lắp khung, bạo, ngưỡng và đóng ba bộ cửa gỗ, kiểu cửa khay, chân quay thượng sơ hạ mật. Bộ cửa gian giữa có 6 cánh, hai bộ cửa gian cạnh chỉ có 04 cánh.

Nội thất tòa Trung tế có 04 hàng chân cột gồm 02 hàng 12 cột cái và 02 hàng 12 cột quân; liên kết giằng giữ theo chiều dọc là hệ thống xà dọc thượng, trung, hạ; liên kết giằng giữ theo chiều ngang là hệ thống 06 vì kèo được làm theo kiểu giá chiêng, chạm khắc hoa văn lá lật trên các thanh ngang, các đầu dư chạm các đầu rồng.

Trang trí trong tòa Trung tế.

Trong tòa Trung tế gian chính giữa treo một bộ ô sa, hai gian cạnh treo 2 bức hoành phi và có 04 đôi câu đối treo trên các cột cái và cột quân hậu.

Các câu đối đều được làm theo kiểu lòng máng, khi treo ôm sát vào cột đền, riềm các câu đối đều chạm hoa dây, thếp vàng; lòng câu đối sơn son, chữ chạm nổi, thếp vàng.

Bộ ô sa được chạm khắc rất cầu kỳ, phía trên tạo hình thành bộ cuốn thư, diềm phía trên cuốn thư chạm lưỡng long chầu nhật, diềm hai bên chạm hai con phượng, lòng cuốn thư chạm 4 chữ Hán “Thiên địa hợp đức”. Phần dưới ô sa tạo hình thành một bức hoành lớn, riềm chạm trang trí rồng, lòng chia ô chạm hoa dây, hạc, lọ hoa, đào, mai, rồng uốn, rồng cuộn, phần trang trọng nhất của bức hoành chạm nổi 4 chữ Hán “Trần triều hiển thánh”.

Hoành phi treo ở hai gian bên cạnh được làm thống nhất theo một kiểu, khung chia ô chạm sen kẽ hoa dây và hoa văn chữ vạn, lòng sơn đỏ, chữ chạm nổi, thếp vàng.

Bài trí trong tòa Trung tế

Gian giữa tòa trung tế đặt 02 bàn thờ đá và 01 sập đá. Trên bàn thờ phía trong đặt một bộ khám ba gian, trong khám có tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn; bàn thờ phía ngoài đặt bát hương, cây đèn và các vật phẩm nhân dân dâng cúng đức thánh Trần, bên cạnh bàn thờ đặt hai hạc đồng, đằng sau bàn thờ đặt một bộ chấp kích.


* Tòa Hậu cung.

Tòa Hậu cung gồm hai gian, ăn thẳng với gian chính giữa tòa Trung tế tạo thành kiến trúc chữ đinh. Ngoại thất hậu cung xây kiểu mái chảy, hồi đắp đấu, nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ.

Hậu cung được ngăn cách với tòa Trung tế bằng ba bộ cửa có ngưỡng, bạo và cánh cửa đều làm bằng gỗ. Cả ba bộ đều lắp cánh cửa khay, chân quay kiểu cửa thượng song hạ bản. Bộ cửa gian giữa có bốn cánh, lúc nào cũng đóng kín cài then. Bộ cánh cửa gian hai gian cạnh chỉ có hai cánh, việc ra vào hương đăng chỉ được thực hiện ở hai cửa nhỏ này.

Hậu cung đền thánh có 04 hàng chân cột gồm hai hàng 06 cột cái và hai hàng 06 cột quân, phía trên có 03 bộ vì được làm theo thượng giá chiêng, hạ chồng rường, chạm hoa văn lá lật, đầu dư chạm rồng.

Trang trí trong hậu cung

Trên bộ cánh cửa lớn của Hậu cung treo một bức hoành phi trên có 4 chữ Hán “Đông A hiển thánh”, trên các cột cái, cột quân gian chính giữa treo hai câu đối lòng máng. Diềm câu đối chia ô chạm xen kẽ hoa dây và hoa văn chữ Vạn cách điệu, lòng câu đối sơn đỏ, chữ chạm nổi, sơn màu vàng.

Bài trí thờ tự trong Hậu cung.

Gian chính giữa hậu cung thờ Nguyên Từ Quốc Mẫu phu nhân (phu nhân của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn) gian này đặt hai nhang án. Nhang án phía trong đặt một khám thờ, trong khám có tượng Nguyên Từ Quốc Mẫu phu nhân. Nhang án phía ngoài đặt bát hương, cây đèn và nhiều đồ vật phục vụ cho việc thờ cúng khác.

Gian bên trái tòa Hậu cung thờ Đệ nhất công chúa Quyên Thanh[3]. Trên nhang án thờ công chúa có khám, tượng, bát hương, cây đèn và nhiều đồ thờ cúng khác.

Gian bên phải tòa Hậu cung thờ Đệ nhị công chúa Đại Hoàng[4]. Trên nhang án thờ công chúa có khám, tượng, bát hương, cây đèn phục vụ cho việc thờ cúng.


* Giải vũ

Giải vũ đền Thánh chỉ có một tòa, nằm ở phía Đông, quay mặt về tòa Phương đình. Giải vũ có 05 gian, xây kiểu mái chảy, hồi đắp đấu. Phía trước không xây tường, ba gian giữa đóng ba bộ cánh cửa kiểu thượng song hạ bản, chân quay 4 cánh, hai gian hồi thưng bằng gỗ, cửa sổ lắp song con tiện. Bộ khung chịu lực tòa giải vũ có 03 hàng chân cột gồm 1 hàng 06 cột cái (trốn cột cái tiền và 02 hàng 12 cột quân, phía trên có 06 bộ vì được làm thống nhất theo kiểu thượng trụ báng, hạ kẻ bảy. Giải vũ không thờ cúng, chỉ là nơi để khách thập phương về sửa lễ trước khi dâng cúng tại đền.


[1] Hưng Đạo đại vương tên thật Trần Quốc Tuấn, là con trai của Trần Liễu, là cháu gọi Trần Thái Tông là chú ruột, ông là một vị tướng tài, là người có công lớn trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược. Hưng Đạo đại vương mất ngày 20/8/1320, ông để lại cho đời nhiều sách viết về nghệ thuật binh pháp như : Bình gia diệu lý yếu lược, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư … ông được nhân dân sùng kính tôn làm thánh – Đức thánh Trần.

[2] Nguyên từ quốc mẫu chính là Thiên Thành – Thái trưởng công chúa của vua Trần Thái Tông.

[3] Quyên Thanh công chúa tên là Trinh, là con gái trưởng của Trần Hưng Đạo và Nguyên Từ Quốc mẫu phu nhân. Bà chính là Bảo Thánh Hoàng hậu (hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông, mẹ vua Trần Anh Tông)

[4] Công chúa Đại Hoàng tên là Tĩnh là con gái thứ của Trần Hưng Đạo và Nguyên Từ Quốc mẫu phu nhân. Sau được đổi thành nghĩa tử, phong làm Anh Nguyên Quận chúa để gả cho tướng quân Phạm Ngũ Lão. Trong tín ngướng dân gian Đại Hoàng công chúa được biết dưới tên gọi Đệ Nhị vương cô.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *