Thi cỗ cá tại Đền Trần năm 2024

Cứ tới dịp lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 13 tháng Giêng, nhân dân địa phương cùng du khách thập phương lại náo nức tham dự hội thi cỗ cá – một tục lệ lạ, hiếm thấy ở các địa phương khác trên cả nước. Nguồn gốc thi cỗ cá ở đền Trần được tổ chức để mọi người nhớ đến tổ tiên nhà Trần làm nghề chài lưới.

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội đền Trần Thái Bình 2024. Sáng ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ban tổ chức Lễ hội tổ chức thi cỗ cá. Chính vì gắn bó với sông nước nên các vị tiên tổ Nhà Trần ghép tên mình với các loại các như: Trần Kinh – Cá Kình, Trần Hấp cá Trắm, Trần Lý – Cá chép, Trần Thừa cá Nheo, Trần Thị Dung – Cá Ngừ…

 Ban tổ chức Hội thi cỗ cá tổ chức chấm điểm các giáp cá tham gia tại Hội thi

 Hình ảnh các Cỗ cá tham gia tại Hội thi cỗ cá lễ hội Đền Trần năm 2024

          Hội thi cỗ cá năm nay, do 8 thôn làng của xã Tiến Đức tham gia, chia làm 8 giáp. Cá dùng để làm cỗ trong hội thi là loại cá to, được nuôi từ đầu năm, khi bắt cá không được trật vẩy, gẫy đuôi, gẫy vây, khi làm cỗ cá được để nguyên vẩy. Theo các cụ cao niên kể lại, cỗ cá có 2 loại: Cỗ cá đơn và cỗ cá kép, được bày trang trọng trên giá, mỗi giá có 8 vổ, mỗi vổ gồm có cá chép, cá mè, cá trắm, giò, chả, nem, mọc…. Cỗ cá năm nay được Ban tổ chức Lễ hội và du khách đánh giá là cỗ đẹp, có tính nghệ thuật cao.

Ban Tổ chức trao giải cho các thôn tham gia thi cỗ cá tại Lễ hội Đền Trần năm 2024

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho 3 thôn: Do Đạo, Nhật Tảo, Phú Vật. Các thôn còn lại đều đặt giải nhất theo từng mặt của thể lệ Hội thi. Tục thi cỗ cá trong Lễ hội đền Trần không chỉ tỏ lòng thành kính của nhân dân xã Tiến Đức đối với các bậc tiền nhân mà còn là ước vọng của người dân về một năm mới nhiều may mắn, thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt, hạnh phúc./.

 

Nguyễn Thuần

Đài TT – TH Hưng Hà

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *