“Tổ tiên nhà Trần là người đất Mân (có người nói là Quế Lâm), sau chuyển sang làm nghề đánh cá tại đất Đông Triều (Quảng Ninh). Đến đời Trần Kinh thì chuyển về Tức Mặc (Nam Định) và qua đời ở đó”[1]. Con trai Trần Kinh là Trần Hấp, nhờ tìm được thế đất tốt đã dời mộ bố về táng tại hương Tinh Cương (Thái Đường, Long Hưng thời Trần, Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) và cư trú ở đó. Từ nghề đánh cá chuyển dần lên bờ làm ruộng và trở lên giàu có, ngày càng có thế lực mạnh để bước vào vũ đài chính trị.
Về quê hương nhà Trần, sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép “Hoàng thái tử [Sảm] (tức Lý Huệ Tông sau này) đến thôn Lưu Gia[2], ở miền biển nghe thấy con gái Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ… Thái tử lấy con gái của Lý, trao cho Trần Lý tước Minh Tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ chức Điện tiền chỉ huy sứ”[3]. Các sự kiện này, sách “Việt sử lược” cũng chép “Ngày Bính Dần, đức nguyên tổ ta (tức Trần Lý) thống suất thủy quân đến kinh thành rước Vương tử Sảm và bà Nguyên phi Đàm Thị và hai người em gái cùng mẹ về nhà Đàm thị tại Hải Ấp … Ít lâu sau Sảm lại về Hải Ấp, ở nhà công quán thôn Lưu Gia, lấy con gái thứ hai của đức nguyên tổ làm nguyên phi, lấy Đàm Dĩ Mông làm Thái úy, Nguyễn Chính Lại làm tham tri chính sự, Nguyên tổ (Trần Lý) làm Minh tự …[4].
Phả hệ nhà Trần chép : Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Hấp sinh ra Trần Lý, Trần Lý[5] sinh ra Trần Thừa, Trần Thừa sinh ra Trần Cảnh. Như vậy Trần Cảnh người được trao ngôi báu từ tay nhà Lý là thế hệ thứ tư của họ Trần ở vùng đất Long Hưng.
Từ khi về Lưu Gia sinh sống, họ Trần đã không ngừng phát triển, mở rộng vai trò của mình, trở thành một dòng họ có thực lực về kinh tế và tiềm lực về chính trị. Bằng việc kết bè cánh với những dòng họ có thế lực về kinh tế và chính trị, họ Trần đã từng bước nắm được quyền lực trong tay, ra làm quan. Con trai cụ Trần Hấp là Trần Lý lấy con gái họ Tô là một gia đình hào phú trong vùng và có cháu là Tô Trung Từ đang làm quan trong triều Lý. Qua Tô Trung Từ, Trần Lý đã xin được một chân đốc gác và giữ nguyên vật liệu xây dựng hành cung Ngự Thiên (Từ năm 1156) của vua Lý Cao Tông ở Quan Bế (cạnh làng Lưu Xá – Lưu Gia nay thuộc xã Canh Tân, huyện Hưng Hà). Bên cạnh việc xây dựng hành cung Ngự Thiên rất tốn kém, nhà vua còn cho xây dựng nhiều công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa xỉ của triều đình khi đi du ngoạn đến vùng này như: điện Thanh Quang, các Anh Vân, cửa Thanh Hòa, thềm Nghi Lượng, cầu Minh Nguyệt, đình Thưởng Hoa, hồ Kim Liên… Việc xây dựng nói trên rất tốn kém về nhân tài, vật lực nhưng lại làm giàu cho họ Trần nhanh chóng.
Trần Lý còn chú ý xây dựng mối liên kết giữa họ Trần với các thế lực khác trong vùng như họ Lưu, họ Phùng. Con trai Trần Lý là Trần Thừa lại lấy con gái họ Lê, một dòng họ cũng có vai vế trong vùng Ngự Thiên, từ đó càng làm tăng thêm vây cánh cho mình.
Không những kết giao với những dòng họ có thế lực trong vùng, họ Trần còn liên kết cả với những viên quan coi kho lương thực của triều đình nhà Lý ở các vùng cảo điền của vua Lý ở Thái Bình như vùng Phân Cảo, A Cảo ở Quỳnh Phụ; Nhật Cảo, Cảo Xuân ở Hưng Hà; Hương Cảo, Phương Cảo ở Vũ Thư; Trà Vy, Trà Cảo ở Kiến Xương; Bát Đồn ở Thái Thụy… Đây là những vùng đất do sức lao động của các tù thường phạm, tù binh, nông dân lao động làm ra thóc lúa nhưng chủ yếu phải sung vào kho của vua Lý, người lao động sản xuất chỉ được hưởng một phần rất nhỏ để sinh sống. Nhờ mối quan hệ với các viên quan coi lương thực ở các vùng Cảo điền này mà họ Trần ngày càng giàu có và trở thành một hào phú lớn trong vùng.
Trong khi đó, nhà Lý đang đến hồi suy thoái, Lý Cao Tông (1175 – 1210) làm vua nhưng không chăm lo đến đời sống của nhân dân “cứ hay đi săn bắn chơi bời, làm cung xây điện, bắt trăm họ phải phục dịch khổ sở”[6], làm cho kinh tế suy sụp, nạn trộm cắp hoành hành, nhân dân nghèo đói, khổ cực, quan lại thối nát, cậy quyền thế lộng hành, hiếp đáp dân nghèo. Quá khổ cực nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy chống lại triều đình như Đinh Khả, Bùi Đô ở châu Đại Hoàng[7]; Phạm Du ở Nghệ An…
Khi nạn Quách Bốc xảy ra (1209), triều đình lục đục rối ren; hoàng từ Sảm lánh nạn về vùng Hải Ấp – Lưu Xá và lấy Trần Thị Dung như chính sử đã ghi
Năm 1210, Lý Cao Tông chết, Thái tử Sảm lên ngôi vua (Lý Huệ Tông). Tháng 2 năm 1211, vua Lý Huệ Tông cho người về Lưu Xá đón Trần Thị Dung về kinh phong làm nguyên phi ; năm 1219 phong làm hoàng hậu.
Năm 1216, Trần Thừa anh cả của Trần Thị Dung là được phong làm nội thị phán thủ, Trần Tự Khánh anh trai thứ hai được phong làm Thái úy phụ chính, Từ đó Trần Tự Khánh ra sức xây dựng, củng cố quân đội, quân thế ngày một mạnh lên “Trần Tự Khánh cùng với Thượng tướng quân là Phan Lân sửa sang quân ngũ, làm đồ chiến khí, luyện tập việc võ. Từ đấy quân thế lại nổi dần dần lên”[8], trong khi đó Lý Huệ Tông ngày một ốm yếu, tinh thần suy sụp, không có khả năng cai quản triều chính, tất cả đều phải dựa vào thế lực họ Trần.
Năm 1223, Trần Tự Khánh mất. Vua Lý Huệ Tông cho Trần Thừa làm Phụ Quốc Thái úy, “sang năm sau lại cho người em họ hoàng hậu là Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Từ đó việc gì ở trong triều cũng quyền ở Thủ Độ cả”[9]
Như vậy có thể thấy cuối triều Lý, quyền lực triều đình đã thuộc về họ Trần. Và dưới sự đạo diễn tài tình của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, năm 1225, Lý Chiêu Hoàng – bà hoàng cuối cùng của triều Lý đã tuyên bố “nhường” ngôi cho “chồng” là Trần Cảnh, hợp thức hóa sự thống trị của một vương triều mới – Vương triều Trần
Nhà Trần lên ngôi trong giai đoạn đầu vừa phải củng cố vai trò thống trị của dòng họ, thiết lập chính quyền phong kiến từ trung ương đến địa phương, vừa đứng trước họa xâm lăng của giặc Mông. Nhà Trần đã chọn việc phong thái ấp cho các thân vương để phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, “Chế độ thái ấp nhà Trần, nhất là giai đoạn đầu còn thể hiện một tinh thần cảnh giác quốc phòng cao, các thái ấp được đặt ở những vị trí hiểm yếu của đất nước hay cần thiết với cung vua”[10].
Long Hưng vốn là cái nôi của võ phái Đông A, là nơi dựng nghiệp của nhà Trần. Vì thế các vùng đất ở đây đã được phong hầu hết cho thân vương, quý tộc nhà Trần: Trần Liễu anh ruột Trần Thái Tông được phong thái ấp ở Phụng Phượng (nay là thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), Trần Nhật Hiệu (Hạo) em ruột Trần Thái Tông được phong thái ấp ở Dương Xá (nay thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà), Trần Thị Dung được phong thái ấp ở làng Ngừ, Trần Thủ độ được phong thái ấp ở làng Khuốc (nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà), Trần Tự Khánh được phong thái ấp ở Thần Khê (nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Nguyên tắc tổ chức quân đội riêng của các thân vương trong buổi đầu của nhà Trần là “Thái ấp ở đâu được phép tuyển quân ở đó” [11] vừa có quyền phiên chế những gia nô trong thái ấp thành đội ngũ vừa có quyền tuyển quân trong dân đinh ở thái ấp và xung quanh thái ấp của mình thành các đội vương hầu gia đồng.
Quân dân Phụ Phượng, Thần Khê, Cổ Lũ, Ngự Thiên vừa là hậu phương vừa là chủ lực giúp họ Trần đánh dẹp, vì thế không có cuộc giao tranh nào ở vùng hạ lưu sông Luộc không thành công : Đánh tan Đinh Khả, Bùi Đô ở Đại Hoàng (Thiên Trường), đánh và lôi kéo được Phù Liệt Hầu ở Phù Liệt (xứ Đoài), khống chế được Nguyễn Nộn ở xứ Bắc, Đoàn Thượng ở xứ Đông; Bình Nam, dẹp Bắc, Đông thảo, Tây chinh “Đông tan, Đoài tạnh” đều do binh lương từ Phụ Phượng, Thần Khê, Cổ Lũ, Ngự Thiên cung cấp, đều có tướng lĩnh và quân sĩ của Long Hưng.
Từ khi còn làm nghề đánh cá, nhà Trần đã chọn hương Tinh Cương, phủ Long Hưng để đặt mộ tổ, để rồi từ đấy tiến về Thăng Long, mở nghiệp đế vương. Khi đã lấy được thiên hạ, nhà Trần lại chọn hương Tinh Cương làm nơi đặt tôn miếu và xây dựng lăng tẩm an táng các vị vua, hoàng hậu đầu triều Trần. Thái tổ Trần Thừa được an táng tại Thọ Lăng; Thái Tông táng tại Chiêu Lăng, Thánh Tông táng tại Dụ Lăng, Nhân Tông táng tại Đức Lăng. Sau ngày Thái Tổ Trần Thừa mất, hương Tinh Cương chính thức được gọi tên thành Thái Đường (chỉ vùng đất đặt lăng tẩm của vua và hoàng tộc).
Về việc an táng các vua Trần sách Đại Việt sử ký toàn thư chép “Giáp Ngọ, năm thứ 3 (1234) (Tống, Đoan Bình năm thứ 1), mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, Thượng hoàng (Trần Thừa) băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi.
Mùa thu, tháng 8, ngày 28, chôn ở Thọ Lăng, phủ Long Hưng (lăng ở hương Tinh Cương, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng, ba lăng đều ở hương ấy) miếu hiệu là Huy Tôn, thụy là Khai vận lập cực hoằng nhân ứng đạo thuần chân chí đức thần vũ, thánh văn thùy dụ chí hiếu hoàng đế”.[12]
“Đinh Sửu, năm thứ 5 (1277) (Tống, Cảnh Viêm năm thứ 2, Nguyên, Chí Thanh năm thứ 14), mùa hạ, tháng 4, ngày mùng 1, Thượng Hoàng (Thái Tông) băng ở cung Vạn Thọ…
Mùa Đông, tháng 10, ngày mùng 4, chôn ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái Tôn), thụy là Thống thiên ngự cực long công mậu đức hiển hòa hựu thuận thần văn thánh võ nguyên hiếu hoàng đế”[13].
“Canh Dần, năm thứ 6 (1290), (Nguyên, Chí Thanh năm thứ 27). Tháng 5 ngày 25, thượng hoàng (Thánh Tông) băng ở cung Nhân Thọ.
Mùa Đông, tháng 12 ngày 15, chôn Thượng Hoàng ở Dụ Lăng. Miếu hiệu là Thánh Tôn. Truy tôn là Huyền công thịnh đức nhân minh văn võ tuyên hiếu hoàng đế”.[14]
“Mậu Thân, năm thứ 16 (1308), (Nguyên Vũ Tôn Hải Sơn, Chí Đại năm thứ 1), mùa Đông, tháng 11, ngày mùng 3, Thượng hoàng (Nhân Tông) băng ở am Ngọa Sơn, núi Yên Tử.
Canh Tuất, năm thứ 18 (1309), mùa thu, tháng 9 ngày 16, rước linh cữu của Thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ long Hưng…Đem Khâm Từ bảo thánh hoàng thái hậu hợp táng ở đấy”[15].
Để bảo vệ khu lăng tẩm nhà Trần, Thái sư Trần Thủ Độ đã cho đào một con sông có tên là sông Thái Sư. Cửa sông bắt nguồn từ sông Luộc với dòng chảy quanh co uốn khúc tới làng Mẽ (thị trấn Hưng Nhân ngày nay) thì tách làm đôi: một nhánh chảy sang phía Tây qua các làng Đặng Xá, Lê Xá, Tam Đường, Dương Xá…để rồi đổ ra cửa sông Tịnh Xuyên. Một nhánh từ Mẽ chảy xuôi xuống phía Đông Nam qua các làng Khám, Bùi, Quan Chiêm, Khuốc, Nại, Khống rồi chảy ra sông Nông Kỳ. Dòng chảy của dòng sông này chạy suốt từ Bắc xuống Nam vùng Ngự Thiên bao quanh khu lăng tẩm Tam Đường và vùng Phù Ngự.
Sông Thái Sư vừa là con đường giao thông thủy, vừa là một chiến hào bảo vệ khu lăng tẩm Tam Đường và vùng Phù Ngự. Dọc triền sông này nhà Trần đã xây dựng những đồn lũy, tiền tuyến phòng thủ cho cả hai khu mà các tên làng xã đến nay vẫn phản ánh những đồn lũy thời Trần như làng Quan Chiêm – Nơi đặt trạm quan sát, làng Khám – Nơi đặt tiền đồn để kiểm tra những người ra vào khu vực này.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ nhất. Khi quân Nguyên Mông đánh vào kinh thành Thăng Long, Trần Thị Dung, thân mẫu của Lý Thuận Thiên + Lý Chiêu Hoàng, nhạc mẫu của vua Trần Thái Tông đã đưa tất cả hoàng tộc nhà Trần về Long Hưng sơ tán. Hiện nay ở Thái Bình vẫn còn những địa danh liên quan đến sự kiện lịch sử này: Làng Nội, nơi ở của nội tộc nhà vua; Triều Quyến, nơi ở của gia quyến triều đình; làng Phù Ngự, nơi ở của bà Trần Thị Dung và lực lượng hậu cần; Làng Vế – cửa quan bế cửa án ngữ, canh gác phía ngoài.
Trong kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, các vua Trần thường về bái yết Sơn Lăng, báo tin thắng trận. Điều này được ghi chép khá cụ thể trong các thư tịch cổ.
– Sách “Toàn thư” chép Mùa thu năm Kỷ Mùi (1259) vua (Trần Thánh Tông) bái yết Sơn lăng cho đặt quan Sơn lăng và phong các cung tần của tiên đế (Thái Tông) để thờ cúng.
“Năm 1287, tháng 5, ngày 15, hai vua Trần đã kéo quân từ phủ Trường Yên về bái yết các lăng ở Long Hưng. Ngày 20, ngày 20 hai vua tiến quân đóng tại bến Đại Mang (cách hương Tinh Cương khoảng 1 Km), bắt được tổng quản nhà Nguyên là Trương Hiến. Ngày hôm sau đánh bại địch tại Tây Kết, quân giặc chết và bị thương rất nhiều, chém được đầu Nguyên soái Toa Đô”[16].
Đặc biệt lễ mừng chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 (1288) trước khi khải hoàn về kinh đô, các vua đã được tổ chức long trọng tại khu tôn miếu Long Hưng. Sách “Thái Bình địa dư chí” mục A Sào thần tích ghi : sau khi thắng trận Hưng Đạo Vương cùng về Long Hưng mừng chiến thắng được vua phong chức Nguyên soái Hưng Đạo đại vương. Cùng sự kiện này sách Đại việt sử ký toàn thư chép : “Năm Mậu Tý (1288), hai vua trở về Long Hưng, ngày 17 (tháng 3), đem tù binh là các tướng giặc bị bắt là Tích Lệ Cơ, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sảm Đoạn, Phàn Tiếp, Điền nguyên soái cùng các vạn hộ, thiên hộ làm lễ dâng thắng trận tại Chiêu lăng”.
Như vậy, lịch sử đã ghi nhận thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà ngày nay chính là vùng đất “Thái Đường lăng linh dị giang sơn” của nhà Trần; Nơi nhà Trần đặt mộ tổ, xây dựng lăng để các vua và hoàng hậu đầu triều yên nghỉ và xây dựng miếu để phụng thờ. Đây là nơi nhà Trần thường về làm lễ hiến tiệp bái yết tổ tiên sau mỗi lần đại chiến quân Nguyên Mông. Hiện nay trên mảnh đất lịch sử này vẫn còn dấu vết của vườn Hành cung, vườn Màn (bến đỗ thuyền), bến ngự …
Lăng mộ và đền thờ các vua Trần trên vùng đất thiêng ấy rất cần được vinh danh cho xứng tầm và quy hoạch bảo vệ đúng nghĩa là một di tích cấp quốc gia đặc biệt.
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 264
[2] Nay là thôn Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 225
[4] Việt sử lược, nhà xuất bản Văn Sử Địa năm 1960, trang 77
[5] Trần Lý có 4 người con là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung và Trần Tam Nương. Trần Thừa sinh ra Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu… Trần Thị Dung sinh ra Lý Chiêu Thánh và Lý Chiêu Hoàng. Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng làm hoàng hậu; sau vì không có con nên bị phế, Trần Cảnh -Trần Thái Tôn bị buộc lấy Lý Chiêu Thánh, chị gái Lý Chiêu Hoàng đã gả cho Trần Liễu và đang có mang Quốc Khang 3 tháng.
[6] Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa thông tin, trang 119
[7] Nay thuộc tỉnh Ninh Bình
[8] Việt Nam sử lược, sđd, trang 121
[9] Việt Nam sử lược, sđd, trang 121
[10] Trương Hữu Quýnh – Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI-XVIII, tập 1, nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 1982, trang 118.
[11] Trương Hữu Quýnh – Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI-XVIII, tập 1, nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội 1982, trang 115.
[12] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 270.
[13] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 295, 296
[14] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 319, 320
[15] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 333, 334
[16] Đại Việt sử ký toàn thư, nhà xuất bản thời đại năm 2013, trang 308, 309